Bình xét các danh hiệu văn hóa: Lấy chất lượng làm chuẩn

23/10/2023 | 07:48 GMT+7

Các ấp, khu vực trong toàn tỉnh đã bắt đầu bình xét các danh hiệu văn hóa. Việc chuẩn bị chu đáo, bài bản làm cho chất lượng các cuộc bình xét đạt hiệu quả, góp phần tạo nên chất lượng chung cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Những con đường đẹp nối dài từ Cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Phải thật sự công tâm

Là việc làm thường niên, nên việc bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, gương người tốt - việc tốt, ấp văn hóa, diễn ra tại các ấp, khu vực trong tỉnh khá nhẹ nhàng.

Mỗi điểm có khoảng 30 hộ dân, đại hiện cho hàng trăm hộ trong các ấp, khu vực tham gia. Bà Nguyễn Thị Hiền, ở ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cho biết, gần 80 tuổi, bà chứng kiến nhiều cuộc họp bình xét và năm nào cũng đi dự, để xem tình hình trong ấp mình suốt một năm qua, được tham gia bình chọn những người tiêu biểu, bà thấy vui lắm. “Bản thân tôi thấy vui và hãnh diện vì được tham gia các cuộc bình xét này. Tôi thấy mọi người rất công tâm, ai chưa tốt, chưa đạt tiêu chuẩn sẽ bị rút danh hiệu gia đình văn hóa, ai tiêu biểu được xét để khen, nêu gương cho mọi người cùng học tập”, bà chia sẻ.

Để chuẩn bị cho việc bình xét đạt chất lượng, hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan, hướng dẫn sớm, cụ thể để địa phương tuyên truyền, triển khai đến với người dân từng tiêu chí, đảm bảo cho việc bình xét đi vào thực chất, tạo sự hài lòng. Trước khi diễn ra buổi bình xét, ban công tác mặt trận ấp, khu vực có buổi họp đánh giá, bình xét trên cơ sở thăm dò ý kiến của người dân và chọn các danh hiệu, để có bình chọn bước đầu trước khi họp dân biểu quyết thống nhất các danh hiệu. Từ đó, việc bình xét diễn ra rất nhanh chóng và hiệu quả, tạo được sự thống nhất cao của người dân.

Ông Mai Văn Tình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cho biết: “Chúng tôi giám sát bằng cách tham gia các buổi bình xét ở ấp, khu vực một số điểm tại các huyện, thị, thành trong toàn tỉnh, lắng nghe, ghi nhận những ý kiến của người dân về quá trình bình xét để đánh giá sự hài lòng, đồng thuận. Điều này rất quan trọng, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng của việc bình xét cũng như chất lượng của các danh hiệu, tiếp tục tạo động lực để từng danh hiệu nâng tầm, đi vào thực chất”.

Khảo sát, đánh giá chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH

Sau khi các địa phương bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, ấp văn hóa..., cũng là lúc Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Hậu Giang tổ chức đợt khảo sát, đánh giá chất lượng từng danh hiệu của phong trào ở các huyện, thị, thành. Đây tiếp tục là đợt đánh giá toàn diện, vừa kiểm tra thực tế các mô hình mà địa phương xây dựng, nhân rộng.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, cho biết: “Khoảng cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, kế hoạch cũng đã triển khai đến các đơn vị khi sơ kết phong trào cấp tỉnh hàng năm, nên các địa phương luôn có sự chuẩn bị. Chúng tôi kiểm tra nhằm giúp các địa phương thấy rõ điểm mạnh cần phát huy, hạn chế cần khắc phục tiếp tục tập trung nâng chất đồng bộ, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng toàn diện cũng là cơ sở để chúng tôi thống nhất tiếp tục công nhận các danh hiệu vào cuối năm”.

Hậu Giang hiện có 185.123 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 93,21%, trong đó có 12.248 gia đình văn hóa tiêu biểu, chiếm tỷ lệ 6,59% số lượng gia đình văn hóa; 38/51 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 74,5%, 21/24 phường văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 87,5%, trong đó có 2 đơn vị đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao. Nhiều năm nay, Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh không đưa chỉ chi xây dựng đạt chuẩn các danh hiệu, mà tập trung nâng chất, để từng địa phương tự đánh giá chất lượng và đăng ký xây dựng danh hiệu. Đây là cách giúp địa phương chủ động trong việc nâng chất đồng bộ và tập trung dồn lực cho những nơi thật sự đủ chuẩn, không bị áp lực trong quá trình xây dựng và nâng chất danh hiệu.

Ban chỉ đạo còn khuyến khích các đơn vị xây dựng mô hình mới, nhân rộng những mô hình hiệu quả, nhất là mô hình tiêu biểu từ cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại, để những con đường đẹp luôn được nối dài, từ thành thị đến nông thôn...

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>