Nỗi lo chấn thương với vận động viên chuyên nghiệp

11/04/2024 | 10:40 GMT+7

Theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, vận động viên hiểu rằng họ luôn đối diện với nguy cơ gặp chấn thương.

Sau những cú va chạm, vận động viên rất dễ gặp chấn thương.

Ảnh hưởng lớn đến chất lượng thi đấu

Hơn 10 năm trước, trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho SEA Games 28, vận động viên judo Danh Út Kiên đã không may bị lệch đốt sống lưng. Mới đầu, anh vẫn nén những cơn đau nhẹ để duy trì tập luyện nhưng dần dần tình trạng càng nặng hơn. Khi xuất hiện những cơn đau kéo dài, anh đi khám lại thì phát hiện bị thoát vị đĩa đệm. Vận động viên Danh Út Kiên chia sẻ: “Dù uống thuốc khá lâu nhưng bệnh không thuyên giảm, nên tôi phải dừng việc thi đấu đỉnh cao hơn một năm để tập trung điều trị. Bây giờ, những cơn đau vẫn còn âm ỉ nên tôi duy trì tập vật lý trị liệu, hạn chế các bài tập nặng. Bản thân không thể lấy lại phong độ thi đấu như trước”.

Còn vận động viên Vovinam Huỳnh Thị Diệu Thảo, sau gần chục năm ăn cơm tuyển cũng từng gặp phải những chấn thương dù chuyên về nội dung quyền. Gần đây nhất là bị lật cổ chân trong lúc tập luyện trước kỳ SEA Games 32, hệ lụy để lại cô phải tạm ngưng biểu diễn quyền gần 2 tháng. May mắn cho Diệu Thảo là vẫn đủ thời gian bình phục để trở lại làm nhiệm vụ ở các giải quốc gia, quốc tế.

Những môn có cường độ, khối lượng vận động mạnh hoặc thi đấu đối kháng như cử tạ, điền kinh, các môn võ, đua thuyền,… rất dễ gặp chấn thương.

Chấn thương như “bóng ma” luôn rình rập vận động viên, có thể xảy ra trong quá trình thi đấu hoặc lúc tập luyện. Việc khởi động chưa kỹ, thực hiện động tác đòi hỏi độ khó cao hay một chút lơ là đều khiến vận động viên gặp chấn thương. Với những trường hợp nhẹ như căng cơ, chuột rút, bong gân, vận động viên dễ dàng vượt qua hoặc nhận được hỗ trợ để quay trở lại thi đấu. Đối với chấn thương nặng như nứt, gãy xương, đứt dây chằng, rách cơ có thể khiến vận động viên mất nhiều tháng điều trị, phục hồi.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều trường hợp vì chấn thương nặng, thời gian điều trị lâu nhưng không lấy lại được phong độ thi đấu đành ngậm ngùi rời bỏ sự nghiệp.

Phòng ngừa cách nào ?

Đối diện các mối nguy hiểm thường trực, huấn luyện viên thể thao thành tích cao tỉnh đều chú trọng đến việc phòng ngừa chấn thương cho vận động viên. Anh Quách Tuấn Cường, huấn luyện viên Đội bóng rổ Xổ số kiến thiết Hậu Giang, cho biết: “Trong bóng rổ, chấn thương thường gặp nhất là ở gối. Nếu bị chấn thương nhẹ, ban huấn luyện cho vận động viên tập ít lại với cường độ, bài tập phù hợp giai đoạn, trạng thái tâm lý, sức khỏe của các em. Còn nặng phải cho nghỉ dài hạn rồi tập vật lý trị liệu đúng cách”.

Với huấn luyện viên, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo thể lực, sau đó rèn cho vận động viên có sự dẻo dai, linh hoạt và khéo léo để thực hiện các động tác mang tính kỹ thuật cao nhằm hạn chế chấn thương nghiêm trọng khi luyện tập, thi đấu. Mỗi buổi tập chuyên môn, vận động viên được yêu cầu thực hiện nghiêm phần khởi động khoảng 30 phút. Việc khởi động, làm nóng giúp cơ thể sẵn sàng hoạt động ở cường độ cao vô cùng quan trọng.

Anh Nguyễn Hùng Nhựt, huấn luyện viên đội karate tỉnh, cho biết: “Từng tập luyện, thi đấu và giờ là huấn luyện viên nên tôi hiểu cảm giác chấn thương là thế nào. Mỗi buổi tập, thấy vận động viên nào sức khỏe, tinh thần kém, tôi sẽ cho nghỉ hoặc chỉ tập những bài phù hợp. Không thể vì thành tích mà bỏ qua sự an toàn của vận động viên, ép vận động viên tập luyện, thi đấu quá sức”.

Ngoài các bài tập kỹ thuật, huấn luyện viên còn trang bị cho vận động viên những cách khống chế, tránh đòn của đối thủ nhằm tự bảo vệ mình. Vận động viên cần có cường độ luyện tập, chế độ dinh dưỡng phù hợp và bổ sung chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi đúng cách, nhất là trước thềm các giải đấu lớn.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, thông tin: “Vận động viên ở tỉnh đều được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Khi vận động viên gặp chấn thương sẽ được điều trị kịp thời, ngoài chế độ bảo hiểm chi trả, trung tâm sẽ lo toàn bộ chi phí, bảo đảm mức hồi phục tốt nhất có thể”.

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh hiện chưa có cán bộ phụ trách riêng nhiệm vụ chăm sóc, điều trị chấn thương. Khi vận động viên bị chấn thương, huấn luyện viên sẽ hỗ trợ sơ cứu ban đầu, rồi sau đó đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị.

 Đây cũng là trăn trở của ngành chuyên môn trong nỗ lực cải thiện chăm sóc sức khỏe cho vận động viên...

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>