Nhìn lại thể thao Việt Nam năm 2023

03/01/2024 | 04:53 GMT+7

Khép lại các giải đấu trong năm 2023, thể thao Việt Nam (TTVN) đã đạt được nhiều thành tích phấn khởi, nhưng cần có sự thay đổi phù hợp để chinh phục đỉnh cao Olympic.

Bóng đá nữ Việt Nam đã có hành trình đáng nhớ ở World Cup.

Sự kiện nổi bật

Lần đầu tiên, đội tuyển nữ góp mặt ở sân chơi World Cup là điểm sáng của bóng đá Việt Nam năm 2023. Trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, các nữ tuyển thủ Việt Nam luôn vào trận với tinh thần, ý chí quyết tâm cao độ, thể hiện được hình ảnh chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Các cô gái đã gây ấn tượng bằng lối chơi chặt chẽ, phòng ngự kiên cường khi chạm trán đối thủ mạnh như Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Dù rời giải với ba trận toàn thua, không ghi bàn và thủng lưới 12 lần nhưng đội vẫn nhận được lời khen và đánh giá cao từ Liên đoàn bóng đá thế giới.

Bóng chuyền nữ Việt Nam cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, khi tạo nên những cột mốc lịch sử mới, đoạt tốp 4 ASIAD, vô địch Giải các câu lạc bộ nữ châu Á, giành quyền tham dự Giải vô địch các câu lạc bộ nữ thế giới. Việc được thi đấu, trải nghiệm ở các giải đấu quốc tế giúp đội tự tin, dần trưởng thành về tâm lý và trình độ chuyên môn, bảo toàn thứ hạng 39 thế giới. Còn ở các môn cá nhân, nhiều cái tên xứng đáng được nhắc đến: Bao Phương Vinh vô địch Giải carom 3 băng vô địch thế giới, Phạm Văn Mách lên ngôi vô địch thể hình thế giới hạng cân 55kg, Lại Lý Huynh vô địch cờ tướng thế giới (nội dung cờ nhanh)…

Sự kiện nổi bật của TTVN năm qua còn đến từ thành công tại SEA Games 32 với ngôi nhất toàn đoàn khi mang về 136 huy chương vàng. Dù có nhiều vận động viên (VĐV) đạt thành tích cao nhưng khó có thể nói 2023 là một năm mỹ mãn với TTVN. Ở SEA Games 32, các môn Olympic là điền kinh và bơi lội bộc lộ những yếu điểm, mất đi vị thế, nhiều cái tên được kỳ vọng nhất đều thi đấu dưới sức.

Hành trình của TTVN kết thúc cũng không trọn vẹn khi thất bại ở ASIAD 19, đứng ngoài tốp 20 châu Á. Hoàn thành chỉ tiêu 3 huy chương vàng với bắn súng, cầu mây và karate, nhưng từ vị trí số một SEA Games rơi xuống thứ sáu Đông Nam Á ở ASIAD, báo động sự thụt lùi so với chính mình. Nhiều môn có thể cạnh tranh huy chương nhưng không đủ thực lực để lên bục cao nhất.

ASIAD như bức tường kiểm chứng, ngăn cản TTVN vươn tầm thế giới. Đây là bài học để TTVN nhìn nhận thực trạng và đánh giá khách quan trước khi hướng tới các giải đấu lớn trong năm 2024, mà Olympic là mục tiêu quan trọng nhất.

Nhìn nhận cơ hội Olympic

TTVN chỉ mới có 3 suất chính thức dự Olympic 2024 gồm xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng). Mục tiêu của TTVN là giành từ 12-15 suất chính thức đến Pháp sẽ không hề dễ dàng và việc đoạt huy chương lại còn bất khả thi.

Danh sách các gương mặt có vé sẽ được chốt vào khoảng tháng 4 tới, thời gian không còn dài để TTVN hoàn thành chỉ tiêu đề ra, điều này đồng nghĩa các VĐV phải căng mình thi đấu. Họ sẽ tham dự nhiều giải vào năm sau để tích lũy điểm số, duy trì thứ hạng hoặc tranh tài các vòng loại Olympic. Ủy ban Olympic quốc tế cùng Liên đoàn thể thao của nhiều môn đã thay đổi về phương thức trao suất hoặc đưa ra các chuẩn thi đấu ngặt nghèo khiến việc giành được vé Olympic 2024 trở nên khó khăn. TTVN vẫn kỳ vọng cơ hội giành suất Olympic ở các môn quan trọng như điền kinh, boxing, bắn súng, cử tạ, đấu kiếm, vật, judo, taekwondo. Điền kinh nội dung 4x400m nữ với sự trở lại của Quách Thị Lan; boxing có Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh; taekwondo với Trương Thị Kim Tuyền; cầu lông có Nguyễn Thùy Linh,…

Olympic 2024 là cột mốc đáng suy ngẫm và TTVN cần nhìn thẳng vào những hạn chế để cải thiện thành tích. Nhiều nguyên nhân ngăn cản TTVN “cất cánh” ở đấu trường châu Á và thế giới đến từ số lượng VĐV tham dự lẫn thành tích không ổn định; hệ thống thi đấu trong nước thiếu các giải quốc tế đỉnh cao; thiếu lực lượng huấn luyện viên trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện VĐV tầm cỡ khu vực; cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu thiếu thốn…

Cục Thể dục thể thao yêu cầu bộ môn và ban huấn luyện cần nắm rõ quy định, xác định những giải phù hợp để xây dựng kế hoạch tham dự trên cơ sở đánh giá đúng đối thủ cạnh tranh, tối đa cơ hội giành suất Olympic cho các VĐV trọng điểm. Ngoài quan tâm đến kinh phí thực hiện, trang thiết bị tập luyện, thi đấu cần chú trọng đến các yếu tố về con người như đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nhân viên hồi phục…

Những hạn chế còn tồn tại thời gian qua chính là động lực, mục tiêu để các vận động viên, đội tuyển nỗ lực cao hơn.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>