Bước tiến và tiềm năng võ cổ truyền ở Hậu Giang

04/01/2024 | 09:20 GMT+7

Kết thúc năm 2023, võ cổ truyền Hậu Giang đã có những bước tiến nhất định khi để lại nhiều dấu ấn ở các giải thi đấu.

Võ cổ truyền Hậu Giang đã phát triển nhưng cần thêm trợ lực để duy trì sự ổn định, bền vững trong thành tích.

Điểm sáng

Ở Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX, võ cổ truyền là môn thể thao phong trào mang về nhiều huy chương nhất cho thể thao Hậu Giang. Đội thi đấu xuất sắc, xếp hạng 3 toàn đoàn với 6 huy chương vàng (HCV), 6 huy chương bạc (HCB) và 10 huy chương đồng (HCĐ), tăng 3 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ so kỳ đại hội trước. Góp phần khẳng định vị thế của võ cổ truyền Hậu Giang tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo tiền đề thuận lợi để bộ môn hướng đến những thành tích khác.

Năm qua, võ cổ truyền Hậu Giang còn giành 2 HCV, 1 HCB, 10 HCĐ khi tham dự Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 6 và đoạt 1 HCB, 5 HCĐ ở Liên hoan võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 17 với chủ đề “Võ Việt Đất Phương Nam”.

Để chuẩn bị lực lượng tham dự, bộ môn đã rà soát, tuyển chọn vận động viên phù hợp với các hạng cân, nội dung thi đấu. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá phong độ từng vận động viên, điều chỉnh giáo án huấn luyện hợp lý. Qua thi đấu, nền tảng thể lực của vận động viên có bước chuyển, chất lượng chuyên môn tiến bộ rõ rệt, cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật ở hai nội dung đối kháng và quyền.

Trong quá trình dạy tại câu lạc bộ, những võ sinh có tố chất, năng khiếu sẽ được bộ môn chọn lựa và thành lập đội tuyển để duy trì tập luyện, biểu diễn chào mừng các ngày lễ, tết. Tuy là võ sinh phong trào, không được hưởng chế độ đặc thù của vận động viên chuyên nghiệp nhưng tất cả đều nỗ lực hết mình cho mục tiêu thành tích. Vận động viên Trần Hoàng Phúc cho biết: “Thi đấu nhiều giúp tụi em được cọ xát, nâng cao trình độ kỹ chiến thuật, cập nhật thêm luật mới, nên trưởng thành và tự tin hơn khi chạm trán đối thủ. Dù không chế độ, phần lớn là tự túc nhưng vì võ cổ truyền là niềm đam mê nên em quyết tâm theo đuổi”.

Cần trợ lực để giữ thành tích bền vững

Những năm qua, bên cạnh phát triển phong trào, bộ môn võ cổ truyền tỉnh còn quan tâm đến công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trẻ, năng khiếu, nhằm xây dựng nguồn lực lượng kế thừa chất lượng, có chiều sâu. Nhờ vậy, bộ môn sở hữu lứa vận động viên có tuổi đời còn trẻ, chuyên môn khá tốt, tiến bộ vượt trội, đủ khả năng cạnh tranh huy chương.

Là môn thể thao không mới ở Hậu Giang, song hầu hết hoạt động của võ cổ truyền chỉ theo hình thức câu lạc bộ nên việc duy trì được thành tích cao vô cùng khó khăn.

 Sau gần hai thập kỷ gầy dựng, đến nay võ cổ truyền dù có bước phát triển nhưng chưa được như kỳ vọng. Việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng thi đấu chỉ dựa vào những huấn luyện viên tâm huyết. Anh Lưu Hoàng Thức, huấn luyện viên võ cổ truyền ở huyện Vị Thủy, cho biết: “Số lượng võ sinh câu lạc bộ khá đông, vào dịp hè có khi lên đến gần trăm em. Để động viên, khích lệ tinh thần tập luyện của các võ sinh tôi nghĩ cần có thêm nhiều giải đấu được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản, tạo sân chơi bổ ích”.

Võ cổ truyền Hậu Giang có tiềm lực về con người nhưng để thúc đẩy bộ môn vươn tầm lại khá trăn trở. Thông thường mỗi năm, võ cổ truyền chỉ tổ chức 1 giải đấu cấp tỉnh, 1 giải đấu cấp huyện hoặc có thể không diễn ra tùy vào thực tế nguồn kinh phí. Đội ít được tham gia các giải khu vực, toàn quốc. Các đợt tập huấn, bồi dưỡng lực lượng huấn luyện viên, vận động viên đều tự túc từ kinh phí cá nhân...

Bà Lê Thị Bảo Thu, phụ trách bộ môn võ cổ truyền tỉnh, cho hay: “Trong quý I năm nay, bộ môn sẽ phát triển thêm câu lạc bộ ở thành phố Ngã Bảy để phủ khắp phong trào trong tỉnh. Chúng tôi đang đề xuất được tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, các giải trẻ, vô địch trong hệ thống quốc gia năm 2024. Võ cổ truyền Hậu Giang rất cần sự chuyển mình nhất định đó là cách để hướng đến chuyên nghiệp”.

Cần một chiến lược hợp lý và đúng đắn để võ cổ truyền Hậu Giang phát triển mạnh mẽ hơn, bằng việc chú trọng xây dựng phong trào, hệ thống giải đấu, tổ chức bộ máy hoạt động, truyền thông quảng bá, xã hội hóa giúp tạo ra các chân đế vững vàng.

Môn võ cổ truyền phát triển ở tỉnh gần hai thập kỷ. Hiện có khoảng 25 huấn luyện viên đảm trách việc duy trì hoạt động ở 20 câu lạc bộ cơ sở, thuộc 7/8 huyện, thị xã, thành phố (trừ thành phố Ngã Bảy) với hơn 750 võ sinh tập luyện thường xuyên.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>