Xử lý nợ xấu được 2.632 tỉ đồng

23/04/2021 | 17:20 GMT+7

(HGO) – Chiều ngày 23-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên có buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn để tổng kết hoạt động 5 năm triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Hậu Giang, tính đến ngày 31-12-2020, trên địa bàn có 15 tổ chức tín dụng, trong đó có 13 đơn vị có phát sinh nợ xấu. Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cân đối kế toán được duy trì ở mức khá thấp và ổn định trong suốt thời kỳ báo cáo, các khoản cấp tín dụng được thu hồi đúng thời hạn, không để phát sinh nợ xấu mới, các khoản nợ xấu cũ dần được xử lý thu hồi.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tương đối cao và chậm được xử lý. Cụ thể, tổng các khoản nợ xác định theo Nghị quyết 42 toàn địa bàn (không bao gồm nợ xấu của Quỹ tín dụng Nhân dân Hậu Giang) là 2.385 tỉ đồng, giảm 742 tỉ đồng so với năm 2019. Tổng nợ xấu là 1.561 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 65,45%/tổng nợ cho vay theo Nghị quyết 42, giảm 120 tỉ đồng so với thời điểm 31-12-2019. Kết quả xử lý nợ xấu từ ngày 15-8-2017 đến ngày 31-12-2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xử lý được 2.632 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42. Trong đó, nợ xấu nội bảng cân đối kế toán được xử lý 1.792 tỉ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoại bảng 555 tỉ đồng, nợ xấu đã bán cho VAMC (công ty quản lý tài sản) các tổ chức tín dụng đã mua lại 860 tỉ đồng.

Khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu hiện nay là việc chuyển tên trên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đấu giá thi hành án còn khó khăn, tình trạng tài sản là các loại đất khác, đất chuyên dùng để thay cho nghĩa vụ trả nợ, tình trạng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất hết thời hạn sử dụng trên giấy chứng nhận, người vay, bên thế chấp không hợp tác trong đề nghị gia hạn sử dụng đất vẫn chưa thể xử lý tài sản được.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho rằng Nghị quyết 42 là cơ sở pháp lý để cơ cấu lại, sắp xếp nợ xấu, tháo gỡ khó khăn về nợ xấu cho ngân hàng. Đối với tỉnh, hệ thống các ngân hàng còn ít, trong khi nguồn lực cho nhu cầu phát triển rất lớn. Đặc biệt, thời gian qua các ngân hàng vừa xử lý nợ xấu vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng hàng năm bình quân tăng từ 10% trở lên, điều này góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tới đây, đề nghị NHNN chi nhánh Hậu Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng giải ngân, hỗ trợ lãi suất kịp thời cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục giám sát, thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trên địa bàn, cũng như phối hợp với các tổ chức tín dụng và khách hàng có nợ xấu lớn để có hướng xử lý…

Tin, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>