Tích cực hỗ trợ vốn cho các lĩnh vực ưu tiên

02/06/2020 | 08:10 GMT+7

Ngành ngân hàng trên địa bàn sẽ tích cực hưởng ứng chủ trương của tỉnh bằng các khoản thỏa thuận cho vay vốn đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và sẽ tham gia tài trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Hồ La Thành (ảnh), Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Hậu Giang, cho biết:

- Từ năm 2018 đến nay, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã chủ động triển khai quyết liệt, thực hiện kịp thời các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phát triển mạng lưới hoạt động, tập trung chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong các năm qua, việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đã tạo điều kiện đưa nhanh đồng vốn tín dụng tới mọi đối tượng, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Chính nhờ định hướng đúng đắn trong việc phát triển mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình NHTM, các tổ chức tín dụng (TCTD) có điều kiện đẩy mạnh mở rộng đầu tư, cho vay với dư nợ tăng trưởng bình quân 10,11%/năm giai đoạn 2015 - 2019.

Hiện nay, dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường được triển khai như thế nào, thưa ông ?

- Với mục tiêu là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chủ yếu tập trung cho vay đối với các lĩnh vực như: nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn.

Hiện tại, các hình thức hỗ trợ khách hàng vay vốn tiếp cận các chính sách tín dụng như mức vốn cho vay, thời hạn vay vốn, điều kiện vay vốn, lãi suất vay vốn được thực hiện dựa trên quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn đã chủ động đẩy mạnh cải tiến các quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Về hỗ trợ về lãi suất vay vốn, đây là hình thức hỗ trợ mà khách hàng luôn mong đợi có được mức lãi suất thấp để giảm chi phí đầu vào. Trong các năm qua, mặt bằng lãi suất tiếp tục được ổn định, các TCTD trên địa bàn đã chủ động trong việc áp dụng lãi suất cho vay theo quy định của NHNN, điều chỉnh lãi suất của các khoản cho vay cũ về mức lãi suất áp dụng hiện hành.

Thưa ông, ngành ngân hàng tạo điều kiện thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ?

- Đồng hành cùng với doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Hoạt động ngân hàng đang có sự đổi mới về công tác quản lý, tiếp thị, tiếp cận khách hàng, việc tìm hiểu nhu cầu vốn và cung ứng vốn cho các doanh nghiệp là việc làm cần thiết có lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tiếp cận doanh nghiệp, xác định hồ sơ vay vốn đủ điều kiện chính là sự nỗ lực của các ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng đã cải tiến rất nhiều về cách tiếp thị, đánh giá khách hàng, cải tiến quy trình cho vay nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả. Việc làm này đã làm cho tổng dư nợ cho vay của các doanh nghiệp tăng nhanh trong các năm qua.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, cung ứng và hỗ trợ vốn tích cực cho doanh nghiệp để phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững và trở thành một động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở mang đô thị Hậu Giang.

Các khu đô thị mới hình thành góp phần mở mang đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu về phát triển đô thị bền vững, vấn đề đặt ra là gì, thưa ông ?

- Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, tỉnh cần có nguồn lực rất lớn để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí từng loại đô thị. Để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện các đề án phát triển cơ sở hạ tầng trong tỉnh, một số chính sách tín dụng mà NHNN ban hành đang được áp dụng trong toàn ngành sẽ vận dụng một cách linh hoạt để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thực hiện đề án.

Đặc biệt, để khuyến khích các dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư vào các dự án phát triển đô thị trong tỉnh mang tính bền vững, cần tạo hành lang pháp lý với các cơ chế, chính sách đồng bộ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích toàn xã hội. Mặt khác, phải đa dạng hóa các kênh vận động, ổn định môi trường đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư mới. Ngành ngân hàng trên địa bàn sẽ tích cực hưởng ứng chủ trương của tỉnh bằng các khoản thỏa thuận cho vay vốn đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và sẽ tham gia tài trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.

Để các hành động này tiếp tục lan tỏa và thực hiện hiệu quả, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đòi hỏi từ các chủ đầu tư dự án cũng như hệ thống cơ chế chính sách của tỉnh phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện và nguyên tắc tín dụng, khâu tổ chức triển khai thực hiện và đảm bảo hiệu quả của dự án khi đi vào hoạt động. Điều này không chỉ đảm bảo hiệu quả và an toàn tín dụng mà trên hết đảm bảo thành công của các chương trình đột phá cho tăng trưởng và phát triển bền vững, cũng như chất lượng của kinh tế - xã hội tỉnh. NHNN chi nhánh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các NHTM trên địa bàn tỉnh mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vốn tín dụng an toàn, hiệu quả, hợp tác, hỗ trợ tín dụng cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm dự án khu đô thị với lãi suất hợp lý, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật. Các NHTM cùng với các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác nâng cao hiệu quả kinh doanh và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 23.411 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực công nghiệp và xây dựng 2.581 tỉ đồng, chiếm 11,02% tổng dư nợ; lĩnh vực thương mại và dịch vụ 3.200 tỉ đồng, chiếm 13,67% tổng dư nợ; lĩnh vực nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ 110 tỉ đồng… Theo đó, toàn địa bàn có 318 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với dư nợ 6.011 tỉ đồng, chiếm 25,68% tổng dư nợ.

 

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>