Chủ động phòng, chống “tín dụng đen”

30/01/2024 | 08:55 GMT+7

Năm 2023, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, phần lớn các đối tượng không còn hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, công khai như trước. Đó là kết quả của sự chung sức, chung lòng, đồng bộ của sở, ngành có liên quan và địa phương.

Bảng quảng cáo với nội dung cho vay tiền trái quy định thường được các đối tượng dán trên cột điện, cây xanh.

Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, trong đó có “tín dụng đen” được 8.770 cuộc, với hơn 305.590 lượt cán bộ, Nhân dân tham dự; xây dựng 125 tin, bài, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng công an tổ chức tuyên truyền 2.950 cuộc, với 70.870 lượt người dự; treo 35 băng rôn; phát 18.900 tờ rơi; xây dựng hơn 100 tin, bài, phóng sự. Ngoài ra, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 870 tin, bài, phóng sự có nội dung liên quan đến phòng, chống “tín dụng đen”. Ngành tư pháp tổ chức in ấn, phát hành 73.500 bản tin tư pháp, sổ tay pháp luật, tờ gấp tuyên truyền pháp luật; đăng 120 tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Ngành giáo dục và đào tạo tuyên truyền 180 cuộc, với hơn 123.650 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh tham dự; phát 14.750 tờ rơi. Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”; phát thanh tuyên truyền phòng, chống “tín dụng đen”, kết hợp với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đồng thời, huy động cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia tháo gỡ, thu gom hơn 10.000 tờ rơi, băng rôn, biển quảng cáo với những nội dung cho vay tiền mặt trái với quy định… Với nhiều biện pháp trên đã tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của nhiều người về phòng, chống “tín dụng đen”, mạnh dạn tố giác vụ việc có liên quan.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng, ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, thường xuyên thấy nhiều tờ rơi cho vay tiền rất đơn giản được rải ở một số tuyến đường trên địa bàn, nhưng không biết đây là “chiêu thức” của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Sau khi được ngành chức năng tuyên truyền, giải thích các hình thức, thủ đoạn liên quan tội phạm “tín dụng đen”, bà Hằng nắm và chung tay phòng ngừa.

“Nếu cần nhiều tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh thì tôi sẽ đến những ngân hàng uy tín, chất lượng để vay. Tôi sẽ thường xuyên nhắc nhở người thân, bạn bè không nên vay tiền qua quảng cáo, giới thiệu từ các tờ rơi nhằm tránh “sập bẫy” của các đối tượng”, bà Hằng cho biết.

Năm qua, lực lượng công an toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý 18 vụ việc, tin báo về tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen”. Qua đó, khởi tố 1 vụ, với 1 bị can về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử phạt hành chính 13 vụ, với 18 đối tượng. Theo dự báo của ngành chức năng, thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ diễn biến phức tạp; hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội và ở nông thôn.

Nguyên nhân là do công tác phòng ngừa tội phạm những nơi này còn hạn chế, trình độ nhận thức một bộ phận người dân ở đây chưa cao; trong khi các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi, với nhiều thủ đoạn mới để đối phó cơ quan chức năng. Để phòng, chống tội phạm liên quan “tín dụng đen”, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, tới đây, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống hoạt động này.

Trong đó, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức để người dân dễ nắm bắt thông tin, không để trở thành nạn nhân. Tiếp tục siết chặt việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và hộ kinh doanh lĩnh vực liên quan đến ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự đảm bảo đúng quy định; thực hiện tốt công tác nắm người, nắm hộ và quản lý địa bàn cơ sở, kịp thời phát hiện đối tượng có dấu hiệu nghi vấn để phòng ngừa.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành liên quan tăng cường rà soát, thu hồi sim rác; triển khai các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cho vay qua các ứng dụng trên điện thoại (app). Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và người dân tiếp cận vốn; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chương trình, chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay và có giải pháp tín dụng phù hợp, đáp ứng yêu cầu hợp pháp của người dân trong sản xuất, tiêu dùng.

“Tỉnh còn chỉ đạo ngành công an mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm và triệt xóa các băng nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động liên quan “tín dụng đen”. Trước mắt, thực hiện hiệu quả cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động, gây mất an ninh trật tự”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh khẳng định.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>