Về đích nông thôn mới kiểu mẫu

19/07/2023 | 09:13 GMT+7

Nhờ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đến nay xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A đạt 100% các tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra. Được kết quả đó, xã có nhiều kinh nghiệm, cách làm.

Tuyến đường hoa tại ấp So Đũa Lớn góp phần làm thay đổi diện mạo của ấp, xã.

Có dịp đến xã Thạnh Xuân, ngoài thấy sự đổi thay về cơ sở hạ tầng thì nơi đây có những tuyến đường đẹp đến lạ, nhiều nơi không dễ có được. Trong đó, tuyến đường hoa tại ấp So Đũa Lớn dài khoảng 1km trồng chuyên biệt hoa quỳnh anh nổi bật hơn cả và được chính quyền địa phương, người dân luôn quan tâm chăm sóc, trổ bông vàng rực.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp So Đũa Lớn, cách đây vài năm, khi chính quyền địa phương phát động trồng hoa trên tuyến đường này, người dân rất đồng tình, vì vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, vừa tạo điểm nhấn riêng biệt mỗi khi nhắc đến ấp, xã. Do đó, trung bình khoảng 1 tháng, người dân cùng chính quyền địa phương vệ sinh, dọn dẹp đường; đồng thời kiểm tra, cắt tỉa, giặm những cây đã chết. Vào mùa mưa, người dân thường rải vôi bột ở những chỗ đóng rong rêu nhằm tránh trơn trượt ảnh hưởng đến người đi đường.

“Tuyến đường này giống như “bộ mặt” của ấp, do đó người dân chúng tôi phải thường xuyên dọn dẹp cho xanh, sạch, đẹp, thông thoáng. Chúng tôi sẽ duy trì hoạt động trên để đường mãi đẹp, có nhiều hoa”, bà Nguyễn Thị Lan cho biết thêm.

Ngoài tuyến đường này, ấp So Đũa Lớn còn có mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác bằng phương pháp ủ biogas” hoạt động từ tháng 6-2022 đến nay, với chiều dài hơn 1km, gần 80 hộ tham gia.

Trước đây, các loại rác thải hầu hết người dân nơi đây vứt xuống kênh hay gom lại đốt... từ đó ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi chính quyền địa phương triển khai, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, cách xử lý rác thải cho phù hợp… các hộ dân trên đoạn đường này đồng tình thực hiện.

Cụ thể, những loại rác thải được người dân phân ra từng loại, sau đó một phần xử lý bằng phương pháp ủ biogas tại nhà, một phần được Tổ vệ sinh môi trường địa phương thu gom, xử lý đúng quy định. Do đó, đến nay tuyến đường trên địa bàn sạch sẽ, thoáng mát, đặc biệt người dân ý thức hơn trong các hoạt động về bảo vệ môi trường.

Bà Trần Thị Thu Ba chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình “Thu gom phân loại và xử lý rác bằng phương pháp ủ biogas”, tôi cảm thấy không gian ngôi nhà, khu vườn của mình không chỉ sạch mà không khí cũng trong lành, dễ chịu hơn trước”.

Theo bà Lê Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Xuân, lộ trình xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025, nhưng nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, nên giữa tháng 5-2023 các tiêu chí đã hoàn thành, dự kiến trong năm 2023 sẽ làm lễ công nhận.

Cũng theo bà Lê Thanh Xuân, để các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đạt, xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng thực hiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, đồng thời phát động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, Nhân dân đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xã còn phát 580 quyển sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; 50 quyển sổ tay hướng dẫn thực hiện sản phẩm OCOP; 40 quyển sổ tay hỏi đáp về Luật Hợp tác xã năm 2012; 2.800 tờ rơi, áp phích; tổ chức 95 cuộc tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung về tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

“Qua tuyên truyền, vận động, nhận thức người dân được nâng lên, hiểu rõ nâng chất nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ. Từ đó, nhiều mô hình được Nhân dân đồng tình ủng hộ như: “tuyến đường hoa, nhà đẹp”, “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Phân loại xử lý rác thải”, “Thắp sáng đường quê”,… Người dân còn tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đê bao thủy lợi, xây lộ giao thông nông thôn”, bà Lê Thanh Xuân cho biết thêm.

Ngoài tham gia đóng góp như kể trên, người dân còn tập trung phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Cụ thể, đến nay, xã có 9 tổ kinh tế hợp tác và 2 hợp tác xã; 6 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận; 355 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoạt động hiệu quả…, với thu nhập bình quân từ 72-75 triệu đồng/người/năm trở lên, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 1,81%, không có trường hợp tái nghèo.

“Chúng tôi sẽ duy trì, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện liên kết chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số“, bà Lê Thanh Xuân cho biết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>