Trình diễn đồng ruộng và trao đổi công nghệ thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

14/07/2023 | 17:41 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 14-7, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức buổi trình diễn công nghệ và trao đổi thông tin về thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ bền vững. Tham dự có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng khoảng 500 đại biểu đến từ các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT và đông đảo nông dân tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. 

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang mong được hợp tác chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc nhân rộng giải pháp về thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ bền vững trong thời gian tới.

Tại buổi trình diễn trên đồng rộng của nông dân ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, các đại biểu được tận mắt chứng kiến quy trình hoạt động của nhiều thiết bị công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững như: máy cuộn rơm khô và rơm ướt, máy băm rơm làm phân hữu cơ bón cho rau màu và cây ăn trái, mô hình sử dụng rơm trồng nấm, mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm… Theo chia sẻ của nông dân, hiện giá bán một cuộn rơm ở mức 16.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, người chủ máy có nguồn lợi nhuận khoảng 6.000 đồng/cuộn, tương đương khoảng 800.000 đồng/ha. Ngoài xem trình diễn công nghệ thì nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã còn được trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp về những thông tin hướng đến mở rộng áp dụng công nghệ trong việc thu gom và xử lý rơm rạ theo mục đích biến rơm rạ từ phụ phẩm thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.   

Ông Trần Thanh Nam (bìa trái), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cùng nông dân tham quan mô hình trồng nấm từ rơm tại buổi trình diễn.

Qua ghi nhận của Cục Trồng trọt, hiện mỗi năm, vùng ĐBSCL tạo ra khoảng 26 – 27 triệu tấn rơm nhưng có đến khoảng 70% người dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí mê-tan và khí thải nhà kính. Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, để dần khắc phục tình trạng nông dân đốt và vùi rơm rạ vào đồng ruộng thì giải pháp cần làm là thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ. Cụ thể là nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm, làm thức ăn cho bò, phân bón sinh học, nhựa sinh học và nông nghiệp đô thị. Qua đây nhằm tận dụng, tránh lãng phí và tối ưu hóa tuần hoàn nguyên liệu từ rơm rạ, từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính trong thời gian tới tại vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Nông dân tham quan máy băm rơm làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Thông qua các chuỗi sự kiện về hội thảo, công bố ban hành quy trình, sổ tay quản lý và sử dụng rơm rạ theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp, đồng thời trình diễn công nghệ quản lý, sử dụng rơm rạ do Bộ NN&PTNT phối hợp với IRRI và ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức nhằm hỗ trợ khởi động cho Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cho vùng ĐBSCL”. Cũng thông qua các chuỗi hoạt động trên sẽ làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân vùng ĐBSCL thực hiện tốt hơn các nguyên tắc, nội dung, quy trình thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ trên đồng ruộng một cách đồng bộ, phù hợp với từng địa phương. Qua đây, góp phần tăng thêm giá trị và nguồn thu nhập cho người trồng lúa trên cùng diện tích canh tác và làm giảm phát thải khí nhà kính từ trồng lúa.

Máy thu gom rơm rạ hoạt động tại buổi trình diễn.

Cùng chia sẻ tại buổi trình diễn công nghệ và trao đổi thông tin về thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ bền vững, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thông tin: Hậu Giang rất mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, IRRI và các doanh nghiệp tư nhân trong việc nhân rộng giải pháp về thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ bền vững trong thời gian tới. Đặc biệt, chung tay thực hiện đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao của Bộ NN&PTNT, phấn đấu đến năm 2030, toàn bộ rơm (không kể rạ) trên các cánh đồng lúa của tỉnh Hậu Giang sẽ được thu gom cho sản xuất chế biến các sản phẩm xanh, sản phẩm có giá trị cao và giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa.

Doanh nghiệp sản xuất thiết bị thu gom rơm rạ trao đổi thông tin với nông dân tại buổi hội thảo.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>