Thu hoạch lúa Hè thu đầu vụ: Niềm vui chưa trọn

26/06/2023 | 07:51 GMT+7

Những ngày qua, nông dân trên nhiều cánh đồng trong tỉnh đã và đang tất bật vào vụ thu hoạch lúa Hè thu đầu vụ nhưng niềm vui chưa trọn vẹn, vì năng suất chưa như mong muốn.

Năng suất lúa Hè thu đầu vụ không được như kỳ vọng của nông dân trong tỉnh.

Năng suất lúa giảm

Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được hơn 75.207ha, vượt hơn 700ha so với kế hoạch. Vào thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 4.000ha, tập trung ở huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Qua ghi nhận tại nhiều cánh đồng đã và đang thu hoạch lúa Hè thu sớm trong tỉnh thì không khí mùa vụ không mấy phấn khởi vì niềm kỳ vọng của bà con chưa trọn vẹn.

Đang xem máy cắt thu hoạch 1,4ha lúa Hè thu của gia đình (giống lúa OM 5451), ông Trần Văn Minh, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thông tin: “Những ruộng lúa của bà con ở cặp ranh vừa cắt và cân lúa tươi xong cho thương lái đạt năng suất dao động chỉ từ 600-700kg/công (một công 1.300m2) và lúa của gia đình tôi cũng nằm trong khoản này. Với năng suất hiện tại thì giảm từ 100-150kg/công so với cùng kỳ”. 

Theo nhận định của ông Minh và nhiều nông dân tại cánh đồng lúa nơi đây thì năng suất lúa Hè thu đầu vụ năm nay giảm là do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho cây lúa chậm phát triển, đặc biệt là ở những ruộng lúa gò cao, việc giữ nước trong ruộng gặp khó khăn thì xuất hiện cỏ dại và lúa cỏ (lúa hai tầng, lúa ma) rất nhiều, từ đó làm cho năng suất lúa chính vụ giảm đáng kể. Mặt khác, không ít ruộng lúa vào thời điểm trổ bông thì gặp mưa dầm nên làm cho bông lúa bị lem lép hạt khá nhiều, từ đó kéo theo giảm năng suất.

Cùng chia sẻ nỗi buồn về vụ lúa thất mùa, bà Nguyễn Hồng Thắm, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Do đất gò cao nên cỏ dại và lúa cỏ phát triển khá nhiều. Trước khi thu hoạch, gia đình tôi phải thuê nhân công cắt lúa cỏ nhiều ngày mới xong 6 công ruộng. Chính vì vậy, năng suất lúa Hè thu ở vụ này của gia đình tôi vừa bán xong cho thương lái chỉ đạt gần 500kg/công, giảm hơn 200kg/công so với cùng kỳ. Hiện không riêng gì ruộng lúa của gia đình tôi mà nhiều bà con ở cánh đồng này đều gặp hoàn cảnh tương tự”.

Bù đắp lại phần nào nỗi buồn về năng suất cho người dân thì giá lúa đang ổn định ở mức tương đối cao. Cụ thể, hiện thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng với một số loại giống chủ lực như OM 18, Đài Thơm 8, OM 5451… với giá dao động từ 6.200- 6.400 đồng/kg (tùy giống). Đây là mức giá không có sự chênh lệch lớn so với vụ Hè thu năm trước.

“Nếu vụ lúa Đông xuân vừa qua, nông dân hưởng được niềm vui trúng mùa, trúng giá thì sang vụ Hè thu này, niềm hy vọng không trọn vẹn khi năng suất lúa đạt thấp. Với giá bán và năng suất như trên thì sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng lúa đạt năng suất hơn 600kg/công thì có được nguồn lợi nhuận chưa đến 20 triệu đồng/ha, riêng những hộ đạt năng suất thấp hơn thì mức lợi nhuận rơi dần và huề vốn”, ông Trần Văn Minh, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thông tin thêm.

Thị trường tiêu thụ ổn định

Theo phân tích của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì hiện giá gạo Việt Nam đang đứng ở mức cao so với các nước xuất khẩu gạo khác do các hợp đồng đã ký trước đây còn nhiều mà lượng gạo cung ứng từ vụ lúa Đông xuân đã cạn. Do đó, buộc các nhà xuất khẩu phải tăng mua gạo giá cao để hoàn tất các hợp đồng đã ký, trong khi sản lượng cung ứng từ vụ lúa Hè thu năm nay đang ít do nông dân tại một số tỉnh vùng ĐBSCL mới vào đầu vụ thu hoạch, đồng thời dự báo sản lượng lúa gạo trong vụ Hè thu đã, đang và chuẩn bị thu hoạch sắp tới sẽ đạt thấp do nhiều yếu tố về thời tiết và điều kiện canh tác như nông dân đã đánh giá.

Ngành công thương cho biết, hiện thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu đến ngày 23-6 chững lại và đi ngang. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 503 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 483 USD/tấn; gạo Jasmine 578 USD/tấn. Các doanh nghiệp cho biết đây là mức giá cao và Việt Nam đang tiếp tục được hưởng lợi về xuất khẩu bởi nhiều quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn. Đặc biệt tại thị trường ASEAN, theo thống kê của Bộ Công thương, chỉ tính riêng Indonesia, trong 5 tháng đầu năm nay thì quốc gia này nhập khẩu gần 400.000 tấn gạo của Việt Nam, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Indonesia tăng nhập khẩu gạo là do tình trạng hạn hán kéo dài từ hiện tượng thời tiết El Nino. Không riêng Indonesia mà các quốc gia Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới sẽ còn gia tăng nhập khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đóng gói của nước bạn.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Với sự quyết tâm của toàn ngành nên diện tích lúa Hè thu năm nay của tỉnh đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra; qua đây tạo động lực không nhỏ cho toàn ngành trong việc hỗ trợ người dân thực hiện nhiều biện pháp canh tác vụ lúa đạt hiệu quả, nhất là nâng cao hơn về mặt năng suất cho các trà lúa ở giai đoạn sau. Đặc biệt, với những tín hiệu tích cực về thị trường tiêu thụ lúa gạo như hiện nay cũng sẽ tạo động lực lớn cho nông dân trong tỉnh quan tâm chăm sóc ruộng lúa của gia đình được tốt hơn nhằm đạt năng suất cao nhất có thể khi bước vào vụ thu hoạch.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>