Bước tiến 20 năm khoa học và công nghệ tỉnh nhà

29/11/2023 | 17:55 GMT+7

Thông qua việc triển khai nhiệm vụ KH&CN các cấp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành KH&CN đã tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài 2: Chung tay giải quyết thách thức

Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh đã chung tay giải quyết thách thức đặt ra ở nhiều lĩnh vực, mang lại một số kết quả đáng ghi nhận.

KH&CN luôn là bạn đồng hành của nhà nông trong canh tác khóm Cầu Đúc.

Giải quyết thách thức trên mọi lĩnh vực

Theo thống kê từ năm 2004 đến nay, Sở KH&CN tỉnh đã ký hợp đồng thực hiện 249 đề tài, dự án KH&CN. Trong đó, có 237 đề tài, dự án cấp tỉnh và 12 đề tài, dự án cấp quốc gia. Các đề tài, dự án được triển khai có nội dung đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực. Cụ thể, có đến 60% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 24% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 12% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; 4% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học y dược.

Để góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, ngành KH&CN đã nghiên cứu chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái khóm Cầu Đúc, trái mãng cầu xiêm, trái mít Thái siêu sớm, trái chanh không hạt,… góp phần nâng cao giá trị đặc sản của tỉnh. Ở lĩnh vực thương mại - du lịch, KH&CN đã đề xuất những giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn. Đánh giá thực trạng, tiềm năng, cơ hội trong phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với nông thôn mới trên địa bàn tỉnh,…

 Nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngành KH&CN đã đưa ra mô hình giáo dục phát triển kỹ năng sống, xây dựng mô hình tư vấn học đường cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh. Ở lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đã nghiên cứu tình hình viêm nhiễm đường sinh dục dưới ở phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại tỉnh; nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco và ngoài bao; nghiên cứu đặc điểm và các yếu tố liên quan của nhiễm trùng bệnh viện;…

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, ngành KH&CN đã nghiên cứu thực trạng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm của công an cấp cơ sở và công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án KH&CN là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng tiến hành xây dựng đường lối, chính sách và áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Đến nay, có 215 đề tài, dự án đã hoàn thành nghiên cứu và được nghiệm thu. Sở KH&CN tỉnh đã tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu của 212 đề tài, dự án,…

Ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh, nhận định: “Thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân. Từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Đồng hành cùng người dân

Là loại cây trồng đặc trưng của tỉnh, 20 năm qua, khóm Cầu Đúc đã nhận được nhiều sự quan tâm, trợ lực từ hoạt động KH&CN. Nhiều đề tài, dự án đã được triển khai trên loại cây này, như: “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen sạch bệnh ở Hậu Giang”; “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen Cầu Đúc ở Hậu Giang”; “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm ở Hậu Giang”,…

Từ những đề tài, dự án này, việc canh tác khóm Cầu Đúc tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đã có những chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh việc cải thiện năng suất, chất lượng, trái khóm Cầu Đúc đã từng bước được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Năm 2020, ngành KH&CN tỉnh xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”, giúp quản lý và phát triển hiệu quả thương hiệu nông sản đặc trưng này. Với những sự trợ lực đó, việc canh tác khóm Cầu Đúc của nông dân ngày càng có nhiều bước tiến.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hơn 50 năm theo nghề trồng khóm, ông Nguyễn Thanh Hùng, ở ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, hiện có 3ha đất trồng khóm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tham gia các mô hình, ông nhận thấy rõ những chuyển biến tích cực mà KH&CN mang lại cho loại cây này. “Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà chúng tôi rút ngắn được thời gian, công sức trong việc trồng khóm. Mấy năm gần đây, trái khóm xây dựng được thương hiệu nên có giá cả ổn định, nông dân chúng tôi cũng rất phấn khởi”, ông Hùng chia sẻ.

Những năm gần đây, việc trồng khóm Cầu Đúc cũng như các loại cây trồng chủ lực khác của tỉnh như mít, mãng cầu, chanh không hạt,... còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những biến động của thị trường, từ các loại bệnh hại hay vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, ngành KH&CN tiếp tục tiên phong nghiên cứu, tạo ra những loại phân, thuốc, chế phẩm như: chế phẩm sinh học Bio-floc, chế phẩm sinh học từ vi khuẩn và dẫn xuất Chitosan, chế phẩm sản xuất nấm xanh Metarhizium Anisopliae,… phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc triển khai các hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từng bước chuyển đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ đó, góp phần hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng lồng ghép thực hiện nhiệm vụ thuộc các chương trình quốc gia về KH&CN để giải quyết mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương, các đối tác công tư để huy động doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đưa KH&CN đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Bài 3: Kỳ vọng chuyển mình

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>