Tăng cường phòng chống hạn, mặn

07/03/2024 | 07:13 GMT+7

Theo dự báo của ngành chức năng thì nguy cơ hạn hán, mặn xâm nhập ảnh hưởng khá lớn đến diện tích đất sản xuất trong tỉnh, do đó thời gian qua chính quyền và Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã chủ động chuẩn bị nhiều giải pháp để ứng phó.

Mùa này, ông Phương rất cẩn trọng khi sử dụng nước tưới cho rẫy khóm. Ảnh: D.KHÁNH

Chủ động ứng phó

Canh tác gần 3ha khóm MD2, những ngày gần đây, ngoài việc cập nhật các tin tức cảnh báo mặn thì trước khi tưới nước cho rẫy khóm, ông Lê Minh Phương, ở ấp Bình Hòa, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, đều quan sát màu nước trên sông, tiến hành thử nước trước khi bơm tưới cho cây. Bởi theo ông Phương, khu vực này còn nhiễm phèn nặng, không thể trữ nước trong các mương nội đồng, mà phải sử dụng nguồn nước trực tiếp từ tuyến kênh tạo nguồn. Do đó, mỗi khi tưới cây phải kỹ lưỡng để hạn chế thiệt hại.

Ông Phương cho biết: “Khu vực này phía ngoài có cống ngăn mặn, phía bên trong thì có đê bao kiên cố. Hiện tại, nước mặn chưa đổ về thì các cống này vẫn cho nước ra vào để lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu. Hàng ngày, khi người dân nơi đây lấy nước sản xuất thì cũng quan sát màu nước, thử nước an toàn rồi mới dám lấy tưới cây”.

Cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra và đóng cống khi nước mặn vượt ngưỡng cho phép để không làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ảnh: T.TRÚC

Ngoài sự chủ động của người dân thì hiện nay chính quyền địa phương dọc tuyến kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp qua các địa phương như: xã Phương Phú, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu... đã tổ chức kiểm tra, duy tu sửa chữa các cống ngăn mặn. Ngành nông nghiệp huyện cũng đã bố trí 8 điểm quan trắc mặn, định kỳ đo khảo sát 2 buổi/ngày để kịp thời cập nhật nồng độ mặn.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của huyện thời gian qua xã Phương Phú đã củng cố lại Ban chỉ huy cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để bám sát địa bàn, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống hạn mặn. Song song đó, hiện nay xã được cấp một máy đo nồng độ mặn thì hàng ngày xã cử cán bộ đo định kỳ hai lần để cập nhật tình hình nước mặn. Bên cạnh đó, sửa chữa lại các cống ngăn mặn được huyện đầu tư thời gian qua. Tính đến nay xã có 6 cống ngăn mặn, hiện nay đã được kiểm tra sẵn sàng hoạt động khi có thông báo từ trên.

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn và mặn xâm nhập mặn năm nay, trong năm 2023 huyện Phụng Hiệp cũng đã huy động các nguồn lực hơn 25,4 tỉ đồng đầu tư xây dựng 6 cống hở, 4 cống kết hợp với trạm bơm, tổ chức nạo vét 20 tuyến kênh tạo nguồn, chủ động khép kín cho hơn 1.000ha đất sản xuất. Nâng tổng diện tích khép kín hoàn toàn trên địa bàn huyện hiện xấp xỉ khoảng 19.000ha.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Là một huyện rộng, diện tích đất sản xuất nhiều nhưng nằm rải rác ở các địa phương, do đó việc hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt là phòng chống hạn mặn cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện phân kỳ đầu tư. Tập trung quy hoạch và khép kín bên ngoài, khi có mặn xâm nhập sẽ tiến hành đóng các cống lại sẽ đảm bảo cho người dân sản xuất bên trong. Riêng các xã, thị trấn trong huyện thì vận động người dân nạo vét các tuyến kênh nội đồng, gia cố các đê bao để chủ động trong sản xuất. Bên cạnh các giải pháp về công trình, hiện nay nông dân trong huyện cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, khi có đến 75% diện tích cây ăn trái và rau màu được áp dụng mô hình tưới, tương đương khoảng 10.500ha, để tiết giảm lượng nước tưới góp phần vượt qua mùa hạn mặn năm nay.

Hạn mặn sẽ còn gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 10-3, khu vực Nam bộ phổ biến không mưa, ngày nắng, có nơi nắng nóng; riêng miền Đông Nam bộ có nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 31-340C, có nơi trên 350C, riêng khu vực miền Đông phổ biến từ 33-360C, có nơi trên 370C. Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm với xu thế xuống dần và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,15-1,5m.

Độ mặn cao nhất tại các trạm ở ĐBSCL phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3-2023, một số trạm ở Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang có độ mặn lớn hơn. Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 40-45km; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 42-50km; sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 43-50km; sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn 45-50km; sông Cái Lớn, phạm vi xâm nhập mặn 37-45km.

Xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3-2024 (từ  ngày 7-3 đến 13-3, từ ngày 24 đến 28-3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 đến 4-2024 (từ ngày 7 đến 13-3, từ ngày 24 đến 28-3, từ ngày 7 đến 12-4, từ ngày 22 đến 28-4). Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn. Khuyến cáo các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, mặn xâm nhập từ triều biển Tây xâm nhập vào các địa phương với nồng độ mặn ngày càng cao theo con nước sông Cái Lớn và kênh Chắc Băng vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Cụ thể, kết quả đo nồng độ mặn vào ngày 6-3 ở thành phố Vị Thanh, tại Kênh Lầu, xã Hỏa Tiến là 5,6‰; ngã ba Nước Trong là 6,3‰. Tại huyện Long Mỹ, nồng độ mặn đo được tại UBND xã Lương Nghĩa là 7,2‰; cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa) là 8,8‰. So với ngày 5-3, nồng độ mặn tại các địa phương này đã giảm từ 0,1‰-0,4‰.

Dự báo nồng độ mặn tại tỉnh Hậu Giang còn duy trì ở mức cao trong thời gian tới, đặc biệt là ảnh hưởng triều cường cuối tháng 1 âm lịch và gió Đông Bắc (biển Đông). Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang yêu cầu ngành chức năng và các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi, chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn tăng cao. Các địa phương có mặn xâm nhập khuyến cáo người dân không lấy nước lên đồng đối với trà lúa đang ngậm sữa, trổ, chín. Trong đó, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đã đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2024. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện tập trung toàn bộ các nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả. Các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn thường xuyên cập nhật số liệu hạn, mặn báo cáo kịp thời cho lãnh đạo chỉ đạo tốt công tác phòng chống hạn, mặn. Kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp ngay tất cả các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Bên cạnh đó tiến hành rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Đông xuân 2023-2024 và Hè thu 2024. Xây dựng đập thời vụ, cải tiến, đập kiên cố đối với các kênh, rạch chưa có cống khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5‰ (phù hợp với điều kiện của địa phương như: giao thông thủy, môi trường, sản xuất, sinh hoạt,…), riêng đối với khu vực trồng sầu riêng, chôm chôm độ mặn cảnh báo là 0,5‰, ngăn tất cả các dòng kênh vào đồng ở các khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước mặn lên đồng. Có kế hoạch vận hành đóng, mở các cống ngăn mặn theo diễn biến mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang...

Theo ngành chuyên môn tỉnh, vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn trong tỉnh có tổng diện tích ước tính khoảng 90.000ha đến 110.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, một phần huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đối với vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn có tổng diện tích ước tính khoảng 50.000-60.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>