Tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

13/03/2024 | 18:04 GMT+7

Kết thúc tháng 2, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả khá ấn tượng, qua đây tạo đà thúc đẩy thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm nay.

Nông dân Hậu Giang đã và đang thu hoạch lúa Đông xuân trong niềm vui được mùa, giá bán ở mức cao.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Một trong những lĩnh vực mang lại nhiều kết quả ấn tượng trong tháng 2 vừa qua là về thương mại - dịch vụ. Bởi, dịp Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong tháng 2 nên các hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa và nhiều loại hình dịch vụ khác sôi động hơn; đồng thời các sản phẩm hàng hóa trên thị trường dồi dào, đa dạng chủng loại, giá cả được bình ổn nên tạo thuận lợi cho người dân mua sắm. Theo ước tính của Sở Công thương tỉnh, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác thực hiện trong tháng vừa qua được hơn 5.000 tỉ đồng, tăng 4,06% so với tháng trước và tăng 20,03% so với cùng kỳ; lũy kế 2 tháng thực hiện được gần 10.000 tỉ đồng, tăng 13,74% so với cùng kỳ và đạt 17,28% kế hoạch năm đề ra.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thông tin: Bên cạnh những điểm khởi sắc trên thì trong tháng vừa qua, đơn vị còn tham gia, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tại tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản ở NovaWorld Phan Thiết. Qua sự kiện này, gian hàng chung của tỉnh Hậu Giang đã thu hút hơn 9.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có khoảng 500 lượt khách nắm thông tin về sản phẩm và sẽ liên hệ trực tiếp đến doanh nghiệp có sản phẩm mà khách quan tâm để trao đổi, mua bán. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội chợ Xuân Hậu Giang, với quy mô 300 gian hàng, hơn 150 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Ước tính mỗi ngày có tổng lượng khách đến tham quan mua sắm tại hội chợ khoảng 8.000 lượt khách, tổng doanh thu ước hơn 14 tỉ đồng. Ngoài ra, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi trong tháng 2 đạt hơn 154 tỉ đồng, tăng 2,38% so với tháng trước và tăng 21,08% so với cùng kỳ.

Cùng với lĩnh vực thương mại - dịch vụ thì trong tháng 2 vừa qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc. Nổi bật là trên cây trồng chủ lực của tỉnh là cây lúa. Hiện nông dân tại nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch rộ lúa Đông xuân với niềm vui trúng mùa, bán được giá.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 20.000ha trong tổng số gần 74.400ha lúa Đông xuân đã xuống giống, ước năng suất lúa bình quân của tỉnh vào thời điểm này đạt hơn 7,8 tấn/ha. Nhìn chung, năng suất lúa năm nay đang cao hơn chút đỉnh so với cùng kỳ, do thời tiết thuận lợi, nông dân tích cực chăm sóc lúa, dịch hại cũng xuất hiện ít. Về giá bán đang dao động từ 7.800-8.200 đồng/kg (tùy giống), tăng bình quân khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ; qua đây tạo nguồn lợi nhuận cho nông dân từ 40-45 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nông dân tại những vùng xâm nhập mặn của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đã chủ động xuống giống lúa Đông xuân sớm theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh nên hiện bà con tại các vùng xâm nhập mặn đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân, không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Ông Đặng Văn Hiếu, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi xuống giống lúa Đông xuân sớm hơn mọi năm khoảng 20 ngày để né xâm nhập mặn gay gắt như lúc này khi đang dao động từ 7-8‰. Hiện gia đình tôi đã thu hoạch lúa Đông xuân xong và cũng được hưởng niềm vui giống như bà con ở các cánh đồng lúa khác trong tỉnh khi năng suất đạt gần 1 tấn/công (một công 1.300m2), giá bán 7.800 đồng/kg (giống lúa Đài Thơm 8), tạo nguồn lợi nhuận cho gia đỉnh khoảng 40 triệu đồng/ha”. 

Ngoài 2 lĩnh vực nổi bật trên thì trong tháng 2 vừa qua, tỉnh đã dành nguồn lực khoảng 1.250 tỉ đồng để triển khai xây dựng mới 4 khu tái định cư nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tái định cư cho các dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân và người lao động vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được thực hiện kịp thời, đúng quy định; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, việc phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, không để các dịch bệnh lớn phát sinh trên địa bàn; đồng thời tỉnh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ giao - nhận quân năm 2024…

Trong tháng 2, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh mang lại nhiều kết quả ấn tượng.

Tháo điểm nghẽn để bứt phá

Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được như trên thì trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của 2 tháng đầu năm nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần có giải pháp tập trung tháo gỡ từ sớm. Cụ thể là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so kế hoạch và giảm so với cùng kỳ, nhất là tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện chỉ mới giải ngân khoảng 42 triệu đồng, trong khi tổng nguồn vốn được giao là 136 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đang thiếu nguồn cát san lấp, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án; đồng thời Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chưa bàn giao dứt điểm cho đơn vị thi công và hiện còn lại 14 hộ, tăng 2 hộ so báo cáo tháng trước. Nguyên nhân là do 2 hộ này trước đó ký biên bản giao mặt bằng, nhưng hiện nay quay lại không giao. Ngoài ra, do doanh nghiệp nghỉ trong dịp tết nên hoạt động sản xuất công nghiệp và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Trước những điểm nghẽn trên, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu; theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, cần tập trung cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tỷ lệ giải ngân đến cuối năm nay đạt tối thiểu 93% kế hoạch và đến hết tháng 1-2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch. Bên cạnh đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẩn trương rà soát, đến trước ngày 20-3 này sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm các dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

Ngoài nội dung chỉ đạo trọng tâm của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đề ra giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo sản xuất và thu hoạch thắng lợi vụ lúa Đông xuân, cũng như có giải pháp hiệu quả cho vụ lúa Hè thu. Đặc biệt xây dựng kế hoạch tăng diện tích trồng rau màu và nuôi thủy sản vào từng thời điểm thích hợp, cũng như tăng cường phòng, chống xâm nhập mặn và phòng cháy, chữa cháy rừng. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho các đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; chủ động phương án, kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên người; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trên các lĩnh vực theo chỉ đạo của UBND tỉnh…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>