Nông dân cải thiện sản xuất từ các mô hình sinh kế

02/12/2021 | 08:21 GMT+7

Cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai dự án xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Dự án này đặc biệt có ý nghĩa với người dân khu vực vùng ven, mở thêm cơ hội để bà con ổn định sinh kế, cải thiện sản xuất và nâng cao thu nhập. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng (ảnh), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết:

- Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Tây sông Hậu, có địa hình trũng thấp, lòng chảo. Tỉnh chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều Biển Đông (bán nhật triều) và triều Biển Tây (nhật triều). Do vậy, tỉnh Hậu Giang là vùng dễ bị tổn thương về biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Liên tiếp trong những năm qua, các loại hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là đợt xâm nhập mặn năm 2016 diễn ra rất khốc liệt gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, nhất là các vùng ven giáp sông Nước Trong, Nước Đục thuộc huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là một “siêu công trình thủy lợi” có quy mô rất lớn, kinh phí xây dựng giai đoạn 1 trên 3.300 tỉ đồng. Dự án giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ. Dự án đi vào vận hành đã tạo nên vùng hưởng lợi rộng lớn liên tỉnh với diện tích lên tới hàng trăm ngàn héc-ta. Nhờ kiểm soát tốt nguồn nước nên các hộ dân trong vùng dự án, trong đó có Hậu Giang an tâm sản xuất, đồng thời tính toán thêm các phương thức sản xuất thích hợp, để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã sớm triển khai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Xin ông cho biết thêm về mục tiêu của mô hình này ?

- Để dự án phát huy hết hiệu quả, đồng thời giúp ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của người dân trong vùng hưởng lợi, việc xây dựng các mô hình sinh kế, tuyên truyền, tập huấn cho người dân vùng dự án thích nghi trong điều kiện triển khai dự án là hết sức cần thiết.

Mô hình sinh kế bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được thực hiện trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành cả nước. Đây là một trong những giải pháp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Việc xây dựng mô hình sinh kế tập trung cải tiến, nâng cấp và gia tăng giá trị sản phẩm cho các mô hình hiện có để ổn định sản xuất.

Cụ thể, các mô hình này đã được ngành nông nghiệp triển khai như thế nào, thưa ông ?

- Hậu Giang có 4 mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Bao gồm: Mô hình tôm - lúa triển khai thí điểm trên địa bàn huyện Long Mỹ, diện tích khoảng 12ha, với 6 hộ tham gia. Xây dựng vận hành thành công và hiệu quả mô hình luân canh lúa Đông xuân kết hợp nuôi tôm sú góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân trong vùng dự án. Đây là mô hình điểm để nhân rộng cho toàn khu vực với diện tích thí điểm thực hiện 12ha và diện tích mô hình dự kiến để thực hiện nhân rộng lên 500ha.

Mô hình lúa - rau màu, áp dụng trên địa bàn xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, diện tích khoảng 19,3ha, với 17 hộ tham gia. Qua đây, giúp người dân từng bước chuyển đổi hình thức sản xuất độc canh cây lúa sang luân canh lúa - rau màu có hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, từng bước nhân rộng cho toàn vùng nghiên cứu. Từ mô hình điểm này sẽ là cơ sở nhân rộng mô hình cho toàn khu vực với diện tích thí điểm thực hiện 19,3ha và diện tích mô hình dự kiến để thực hiện nhân rộng 502ha.

Mô hình điểm trồng mãng cầu xiêm được xây dựng ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, có diện tích khoảng 9,6ha và có 14 hộ tham gia. Giúp bà con từng bước chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (cây mãng cầu) có hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng hoàn thành hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé. Dự kiến, nhân rộng mô hình cho toàn khu vực với diện tích thí điểm thực hiện 9,6ha và diện tích mô hình dự kiến để thực hiện nhân rộng 1.500ha.

Mô hình thứ tư là khóm - thủy sản, giúp nâng cao thu nhập cho người dân từ mô hình sản xuất truyền thống thông qua việc nâng cao năng suất cho cây khóm trên đất phèn mặn, kết hợp nuôi thủy sản dưới mương nhằm đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích. Mô hình khóm - thủy sản được triển khai ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh với 9 hộ dân, đây là mô hình điểm khoảng 10ha và diện tích mô hình dự kiến để thực hiện nhân rộng ra 1.000ha.

Hậu Giang triển khai 4 mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé.  Ảnh tư liệu

Ông có đánh giá như thế nào về tiến độ triển khai các mô hình sinh kế trên ?

- Mô hình lúa - rau màu và mô hình mãng cầu xiêm đại diện cho khu vực sinh thái ngọt. Mô hình khóm - thủy sản và mô hình lúa - tôm đại diện cho khu vực sinh thái mặn - lợ. Qua đánh giá sơ bộ, tiến độ triển khai 4 mô hình sinh kế trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ cơ bản đạt yêu cầu. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo chuỗi liên kết gia tăng hiệu quả hơn; nâng cao kỹ thuật canh tác, sử dụng nguồn nước, vệ sinh môi trường, xử lý đồng ruộng của người dân trong khu vực dự án. Mở ra cơ hội xúc tiến thương hiệu cho vùng sản xuất, hợp tác doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tổng kinh phí thực hiện dự án mô hình sinh kế khoảng 25 tỉ đồng.

Ngoài ra, các hoạt động công trình và phi công trình được triển khai ra sao để hỗ trợ thực hiện các mô hình hiệu quả và bền vững, thưa ông ?

- Các hoạt động công trình triển khai thực hiện hỗ trợ mô hình gồm xây dựng 1 cống hộp, 1 cống hở và 1 cống hở kết hợp trạm bơm điện; thi công đường dây điện phục vụ trạm bơm, xây dựng 1 đường bê tông nông thôn kết hợp nạo vét 4 kênh thủy lợi trong vùng dự án. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 còn lại 1 cống hở và 1 cống hở kết hợp trạm bơm điện mới triển khai, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Các hoạt động phi công trình triển khai thực hiện hỗ trợ các mô hình gồm: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn; thành lập và củng cố các tổ hợp tác sản xuất; thông tin, tuyên truyền tổ chức hội thảo cho từng mô hình, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm; tham quan, học hỏi; hỗ trợ đào tạo, các tư vấn tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp liên kết chuỗi; xây dựng truy xuất nguồn gốc điện tử QR Code; hỗ trợ cải tạo đất; hỗ trợ thiết bị sản xuất; tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ tiên tiến nhân rộng; xây dựng nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Xin cảm ơn ông !

KỲ ANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>