ĐBSCL nhìn từ Báo cáo kinh tế thường niên 2022

08/08/2022 | 09:55 GMT+7

Với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 đã phác họa rõ nét về bức tranh của vùng ĐBSCL với những cơ hội lớn và thách thức đan xen. Phải tận dụng thời cơ vàng để thay đổi, nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Bài 1: Định hình kinh tế nông nghiệp tương lai

Các tỉnh, thành ĐBSCL đang xây dựng quy hoạch cấp tỉnh phù hợp quy hoạch tích hợp vùng. Giải quyết mắt xích an ninh lương thực, định hình kinh tế nông nghiệp tương lai ở ĐBSCL.

Thay đổi quan điểm về an ninh lương thực là tiền đề then chốt cho việc thay đổi tầm nhìn về ĐBSCL.

Tổ chức lại sản xuất

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tích hợp ĐBSCL), một bản quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287 ngày 28/2/2022. Bản quy hoạch tích hợp khẳng định lại những thay đổi quan trọng về quan điểm và định hướng phát triển của Nghị quyết 120 của Chính phủ theo hướng “thuận thiên”.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL cần định hình lại về tổ chức không gian, phân bổ và sử dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp. Hơn hết là vai trò của nông nghiệp trong mối tương quan với ngành công nghiệp và dịch vụ.

Việc định hình lại tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp được thực hiện dựa trên phương án sử dụng tài nguyên nông nghiệp tự nhiên một cách phù hợp với từng vùng và tiểu vùng. Và bản quy hoạch tích hợp trên đã chia ĐBSCL thành 36 tiểu vùng sinh thái - xã hội hay lưu vực sông. Đồng thời, việc tổ chức hoạt động kinh tế nông nghiệp phải gắn chặt với phát triển đô thị, công nghiệp chế biến thông qua trung tâm đầu mối phân bổ ở các vùng sinh thái trong toàn vùng ĐBSCL.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển theo con đường kinh tế nông nghiệp, phải thay đổi được tư duy liên kết vùng, liên vùng. Trong đó không thể bỏ qua vai trò và sự kết nối vô cùng cấp thiết với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ và các vùng miền khác trong cả nước.

“Hãy nhìn sang Thái Lan. Tại sao trong nông nghiệp họ vượt trội so với Việt Nam dù điều kiện tương tự nhau đối với cơ cấu tự nhiên về nông nghiệp. Khác biệt là ở cách làm, chính sách từ việc hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp, nhà khoa học, nhà công nghệ phục vụ cho nông nghiệp. Họ có hệ thống chính sách, hệ sinh thái hoàn chỉnh cho sự phát triển về nông nghiệp điều mà Việt Nam còn thiếu vắng”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL phải tiếp cận sự phát triển của toàn vùng và các vùng trong cả nước. Hơn nữa, phải tính đến lợi ích của nông dân, các doanh nghiệp làm nông nghiệp. Và mỗi tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phải thiết lập lại quy hoạch, xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh cho phù hợp bối cảnh toàn vùng, cùng nhau nhận diện các thách thức, hạn chế để tìm tiếng nói chung…

Mắt xích an ninh lương thực

Theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL, đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa giảm hơn 88.500ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng lúa nước. Quy hoạch này được kỳ vọng thay đổi quan trọng cho nền nông nghiệp của vùng. Trong đó, giải quyết mắt xích quan trọng đầu tiên là quan điểm về an ninh lương thực.

Theo dự báo của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và Ngân hàng Thế giới, ngay cả khi diện tích lúa giảm xuống 3 triệu héc-ta thì Việt Nam vẫn đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho người và thức ăn cho gia súc, đồng thời vẫn thặng dư khoảng 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Thay đổi quan điểm về an ninh lương thực là tiền đề then chốt cho việc thay đổi tầm nhìn về ĐBSCL. Việc áp dụng quan điểm an ninh lương thực mới, trong đó chú trọng khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, khả năng chống chịu và thích nghi trước những biến động về kinh tế và môi trường, sẽ cho phép các địa phương chỉ cần phải giữ một diện tích đất lúa đủ cho tiêu dùng nội địa, dự trữ và phục vụ xuất khẩu ở một tỷ lệ nhất định.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết vấn đề an ninh lương thực đang là thách thức lớn với miền Tây. Nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng vì nhiệm vụ an ninh lương thực nên vùng vẫn giữ một diện tích đất lớn trồng lúa. Tuy nhiên, trồng lúa với diện tích nhỏ lẻ, khoảng 0,3ha, khó cơ giới hóa, tăng năng suất, khó giúp nông dân khá giả.

“Chừng nào Việt Nam còn tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2, thứ 3 thế giới thì chừng đó chúng ta vẫn còn nghèo. Bởi chúng ta cứ mang điều này lên làm thành tích thì ĐBSCL vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực, nông dân tiếp tục giữ đất lúa, trồng lúa và tiếp tục nghèo. Đây là điều không chấp nhận được”, TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

TS Vũ Thành Tự Anh cũng chỉ ra rằng, thực tế trên thế giới chưa có quốc gia nào giàu có chỉ nhờ vào nông nghiệp. Vì vậy, cây lúa cũng chỉ giúp ĐBSCL ổn định chứ khó có thể giúp nông dân giàu lên khi có tới 50% hộ nông dân có diện tích dưới 0,5ha. Với diện tích manh mún như trên sẽ rất khó để sản xuất lớn cũng như tăng cường hợp tác nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, bởi chính nhà nông đang không tương thích với các nhà còn lại.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ĐBSCL muốn giảm diện tích trồng lúa sẽ rất khó. Vấn đề quan trọng là phải giảm số lượng và nâng chất lượng hạt gạo. Nếu trước đây nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì giờ đây cần sản xuất theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

“ĐBSCL không phải thay đổi gì nữa, nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy, không trồng sản lượng nhiều nữa mà hãy nâng cao chất lượng theo nhu cầu của các nước. Chúng ta cần làm cơ chế chính sách làm sao cho có thật nhiều doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng liên kết với nông dân”, ông Phạm Thái Bình đề xuất.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp là nền tảng để phát triển nông nghiệp công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ. Và xây dựng quy hoạch cho vùng, không chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp mà phải là một chuỗi giá trị, bắt đầu từ nông nghiệp nhưng kết thúc ở thương mại dịch vụ. Bộ trưởng khẳng định, để chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp cần phải có cơ chế chính sách, có mô hình chuyển đổi phù hợp. Đặc biệt, cần loại bỏ tư duy chú trọng sản lượng hơn chất lượng.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập văn phòng điều phối trong nông nghiệp cũng như nông thôn tại thành phố Cần Thơ, để kết nối, tạo ra chuỗi giá trị mới bằng những mô hình thực tiễn của từng địa phương. Bằng cả niềm tâm huyết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nếu vùng ĐBSCL kích hoạt được những điểm sáng, giải quyết những mắt xích quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ định hình nên nền kinh tế nông nghiệp tương lai ở vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

--------------

Bài 2: ĐBSCL tận dụng cơ hội, đảo ngược vòng xoáy đi xuống

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>