Chủ động phòng tránh thiên tai những tháng cuối năm

27/10/2023 | 07:52 GMT+7

Khu vực Nam bộ, trong đó có Hậu Giang thì bão, áp thấp nhiệt đới thường xuất hiện từ cuối tháng 10 và kết thúc vào tháng 12. Các năm qua, bão, áp thấp nhiệt đới kéo theo mưa lớn, gió mạnh, gây thiệt hại về tài sản, công trình, sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Người dân chủ động gia cố bờ bao bảo vệ sản xuất trong mùa mưa bão, lũ.

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh diễn ra không thường xuyên. Thống kê trong 51 năm (1961-2020) cho thấy chỉ có 5 cơn bão đổ bộ vào ĐBSCL vào các năm 1962 (Lucy, 28-11), 1973 (Thelma, 14-11), 1997 (Linda, 02-11), 2006 (Durian) và 2017 (Tembin). Bão, áp thấp nhiệt đới trong những năm qua diễn biến phức tạp, tuy nhiên tâm bão và áp tháp nhiệt đới không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh Hậu Giang, mặc dù vậy, do ảnh hưởng bởi hoàn lưu của chúng đã gây ra lốc xoáy, sét, mưa lớn làm thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.

Lốc, sét là loại hình thiên tai thường xảy ra bất thường, diễn biến khó lường và mức độ ảnh hưởng có thể rất lớn, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Theo thống kê từ năm 2017 đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra hơn 70 trận lốc xoáy kết hợp mưa lớn, làm sập 357 căn nhà và 931 căn bị tốc mái. Tổng số tiền thiệt hại do lốc xoáy gây ra trong tỉnh ước tính khoảng 18,57 tỉ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số nhà sập 23 căn, tốc mái 66 căn, ước tổng thiệt hại 1,825 tỉ đồng. Trên địa bàn tỉnh sét thường xuyên được cảnh báo xuất hiện cùng mưa giông, lốc. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận các trường hợp sét đánh thường chỉ ở phạm vi hẹp, dưới 1/2 số huyện, xã.

Diện tích sản xuất hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực ven sông là các đối tượng dễ bị thiệt hại bởi thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, sạt lở đất. Theo thống kê toàn tỉnh có khoảng 28.000ha đến 34.000ha có nguy cơ hạn, bao gồm diện tích lúa Đông xuân và Hè thu ảnh hưởng hạn ở một phần của huyện Phụng Hiệp, một phần của huyện Vị Thủy; diện tích vườn cây ăn trái, rau màu ở huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy. Khoảng 12.000-16.000ha vụ lúa Đông xuân và vụ lúa Hè thu có khả năng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Cụ thể, xâm nhập mặn ảnh hưởng từ biển Tây chủ yếu huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy và một phần huyện Phụng Hiệp; có khoảng 18.500ha cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều biển Đông chủ yếu huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp. 13.168ha đất nông nghiệp và 2.317ha đất nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất an toàn do lũ lớn. Đó là những vùng thuộc thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế ít biến đổi nhưng có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão, đây cũng là thời kỳ bão hoạt động chủ yếu ở phía Nam và bão có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam. Bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng. Về mưa lớn, mưa trái mùa biến đổi ngày càng bất thường hơn, cực đoan hơn, xuất hiện các đợt mưa với lượng mưa lớn hơn, trái mùa. Về lũ thượng nguồn, do tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong và sự phát triển kinh tế - xã hội nội tại... làm cho lũ lớn ngày càng ít. Tuy nhiên, khi các hồ chứa thượng nguồn đồng loạt xả kết hợp dòng chảy tự nhiên do mưa ở thượng nguồn, sẽ có nguy cơ xảy ra lũ lớn ở ĐBSCL và tác động tiêu cực là lũ lên nhanh, xuất hiện lũ nhân tạo.

Do tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong và sự phát triển kinh tế - xã hội nội tại... làm cho lũ ngày càng ít, triều cường ngày càng cao và tình trạng xâm nhập mặn xảy ra ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đang có diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, do phát triển hồ chứa ở thượng nguồn hệ thống sông Mekong làm thay đổi chế độ dòng chảy trên sông, làm mất cân bằng bùn cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, xói lở bờ sông kênh rạch. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác cát dọc các con sông cũng làm cho lòng dẫn bị xói sâu, hạ thấp, bờ sông, kênh rạch bị sạt lở, môi trường nước bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch trên ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Tình hình giông lốc sét, mưa lớn, mưa trái mùa có thể sẽ diễn biến phức tạp khó lường, các loại thiên tai còn lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Ngoài ra, sụt lún đất cũng là một vấn đề đang được quan tâm ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Sụt lún làm gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt; làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường vốn đã gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương khu vực ĐBSCL.

Mưa giông vào cuối mùa bất thường và diễn biến phức tạp.

Tăng cường ứng phó

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN  tỉnh cho biết sẽ rà soát, bổ sung, xác định các khu vực nguy hiểm, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai để cập nhật vào kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cho từng năm. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết đã phối hợp với các địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện công tác thủy lợi nội đồng, củng cố bờ bao, bờ vùng, kiểm tra gia cố các tuyến đê xung yếu, cũng như việc kiểm tra sửa chữa các cống đầu mối, nạo vét kênh mương đảm bảo tiêu thoát nước và vận hành an toàn trong mùa mưa bão. Rà soát và điều chỉnh quy trình vận hành của các công trình phòng chống thiên tai, các công trình thủy lợi quan trọng; thường xuyên kiểm tra, vận hành hệ thống cống sẵn sàng đóng cống khi có mặn xâm nhập. Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, điều chỉnh thời vụ, giống cây trồng, vật nuôi để chủ động phòng ngừa thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ và ứng phó thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu; thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời.

Song song đó, triển khai thực hiện Kế hoạch số 192/KH-UBND tỉnh ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tổ chức tuyên truyền và mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về thiên tai, kỹ năng phòng chống thiên tai, tăng cường năng lực thực hiện công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp huyện, xã, lực lượng xung kích cơ sở và cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng. Đa dạng hóa phương thức truyền thông để phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai tới cộng đồng phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền gắn với nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, gắn với chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” lồng ghép vào chương trình nông thôn mới.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng yêu cầu các ngành liên quan, địa phương chỉ đạo triển khai ngay các kế hoạch, phương án ứng phó kịp thời, sát với tình hình thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”, thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ trong trường hợp thông tin liên lạc bị gián đoạn. Tổ chức phân công cán bộ chỉ huy trực tiếp, cán bộ điều hành bám địa bàn; xác định những nơi trọng yếu và tăng cường lực lượng, phương tiện cứu nạn, sơ cấp cứu ứng trực trước thời điểm thiên tai xảy ra, tùy theo từng tình huống cụ thể để chỉ đạo ứng phó cũng như ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Triển khai kịp thời các phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai, từng cấp độ rủi ro thiên tai. Chỉ đạo bảo vệ sản xuất trên các lĩnh vực, địa bàn cụ thể; đảm bảo đủ về lực lượng, phương tiện trong thu hoạch, đảm bảo giá cả và đầu ra hợp lý hoặc ít nhất là có đủ nơi bảo quản các sản phẩm thu hoạch sớm để chạy bão cho người dân; duy trì tối thiểu các hoạt động sơ chế thủy sản đảm bảo an toàn.

Theo UBND huyện Phụng Hiệp, huyện đã sớm tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, phân nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động xây dựng và triển khai phương án PCTT-TKCN trên địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi thiên tai xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>