Tiến sĩ Dẹn và những “chặng bơi vào biển tri thức”

08/02/2024 | 05:38 GMT+7

Ra đi từ dòng sông tuổi thơ chở nặng phù sa, anh Trần Quốc Dẹn, một tiến sĩ trẻ người Hậu Giang đã nỗ lực vượt qua nhiều “chặng bơi” trên hành trình học tập của mình, để có những kết quả nghiên cứu đột phá về thế giới vi sinh vật giữa lòng đại dương, khiến các giáo sư nước ngoài phải bất ngờ, rồi trầm trồ thích thú.

Anh Trần Quốc Dẹn khi làm nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học và Sinh học Môi trường biển, Trường Đại học Oldenburg, Cộng hòa Liên bang Đức.

Dòng sông tuổi thơ nuôi mơ ước, khát vọng

Trong ký ức của anh Trần Quốc Dẹn, cách đây hơn 30 năm, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, là một vùng quê thanh bình với những cánh đồng lúa bát ngát. Từ kênh xáng Xà No, dòng phù sa theo hệ thống kênh, rạch vào nội đồng để làm cho đất đai thêm màu mỡ, cho mùa màng tốt tươi. Nhưng cũng vì hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt này, mà con đường đến trường của những đứa trẻ nơi đây, trong đó có anh cũng lắm truân chuyên.

Như bao bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của tiến sĩ Dẹn là những tháng ngày vượt khó để theo đuổi con chữ. Đến trường trên con đường mòn với những chiếc cầu khỉ, không ít lần anh bị ướt đẫm do té sông. Vì nhà đông con, kinh tế khó khăn, nên sau giờ học, anh thường phải ra đồng để phụ cha mẹ, anh chị nhổ cỏ, cấy lúa, trồng rau,… Trong điều kiện đó, không ít bạn bè của anh đã phải dở dang việc học.

Thế nhưng, anh Dẹn lại có một lối suy nghĩ khác so với các bạn. Thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, anh luôn cố gắng học tốt để thay đổi tương lai của mình và phụ giúp gia đình sau này. Những năm tháng học trò, anh luôn là học sinh giỏi và tích cực tham gia các phong trào đoàn, đội. Năm lớp 12, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn và được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 18 tuổi. Đây là “chặng bơi” đầu tiên trong hành trình chinh phục “biển tri thức” của vị tiến sĩ trẻ tuổi này.

Đến những “chặng bơi vào biển tri thức”

Khép lại “chặng bơi” đầu tiên với nhiều kết quả nổi bật, bước vào giảng đường đại học, anh Dẹn tiếp tục cố gắng học tập và năng nổ trong công tác đoàn, hội. Thời sinh viên, anh là phó bí thư chi đoàn, chi hội trưởng và sau đó là Liên chi hội trưởng Liên chi hội sinh viên tỉnh Hậu Giang tại Trường Đại học Cần Thơ. Nhận bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành công nghệ sinh học cùng học bổng du học thạc sĩ tại Đức được anh Dẹn xem như hoàn thành “chặng bơi” thứ hai trong hành trình học tập của mình.

Khó khăn, thử thách thực sự đến với anh Dẹn ở “chặng bơi” thứ ba, khi anh theo học cao học ở Cộng hòa Liên bang Đức. “Chặng bơi” này đòi hỏi ở anh nhiều sức lực và sự tập trung. Tuy nhiên, với những cố gắng của mình, sau 2 năm, anh đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành vi sinh vật học tại Đức với điểm luận văn tuyệt đối. Năm 2014, anh trở về Việt Nam và công tác tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang.

TS. Trần Quốc Dẹn (bìa phải) cùng đồng nghiệp tại một hội thảo khoa học quốc tế diễn ra ở Thụy Sĩ.

Với khát khao được tiếp tục mở mang kiến thức, năm 2018, anh Dẹn bắt đầu chinh phục tấm bằng tiến sĩ. Trong hồ sơ xin học bổng, anh viết: “Thực hiện công việc của một nghiên cứu sinh được xem như là “chặng bơi” thứ tư trong cuộc đời của tôi. Cũng như những lần trước, lần này tôi tiếp tục cố gắng và sẽ lại thành công…”. Với những chia sẻ đầy quyết tâm đó, anh đã nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần của Quỹ Nghiên cứu Khoa học Đức (DFG) và sau đó là Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD).

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Đức, anh Trần Quốc Dẹn đã cùng với tập thể các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Oldenburg, dẫn đầu là GS.TS Meinhard Simon, nỗ lực trả lời các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa vi tảo và vi khuẩn, hai nhóm vi sinh vật có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái biển. Qua quá trình nuôi cấy và quan sát lâu dài, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những tương tác vật lý phức tạp và thú vị giữa nhóm vi sinh. Kết quả này mới hơn so với dự đoán trước đây của các nhà khoa học về thế giới vi mô của tảo cát và vi khuẩn, tạo tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.

Với những kết quả nghiên cứu đột phá trên, anh Dẹn tốt nghiệp tiến sĩ hạng ưu. Luận án của anh được Hội đồng Giáo sư của Trường Đại học Oldenburg chấm điểm tối đa là 1.0. Luận án bao gồm 5 bài báo quốc tế, trong đó bài báo tạm dịch là “Cấu trúc glycoconjugate chuyên biệt trên bề mặt tảo biển Thalassiosira rotula tạo ra môi trường hấp dẫn cho cộng đồng vi khuẩn”, được Tạp chí khoa học Journal of Phycology (Hoa Kỳ), vinh danh là nghiên cứu nổi bật của năm. Bài báo này cũng được giới thiệu rộng rãi trong nhiều hội thảo khoa học quốc tế và tạp chí khoa học khác của thế giới.

“Chặng bơi” thứ tư với nhiều kết quả nổi bật trên chắc chắn chưa phải là “chặng bơi” cuối cùng trên hành trình chinh phục tri thức của TS. Trần Quốc Dẹn. Hiện tại, anh Dẹn đã trở về Việt Nam và tiếp tục công tác tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang. Vào buổi tối, anh còn giảng dạy tiếng Anh ở một số trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh để truyền cảm hứng cho học sinh và hỗ trợ các bạn có ý định du học.

TS. Trần Quốc Dẹn nhắn nhủ: “Nếu các bạn có một ước mơ, hãy xem nó là một “chặng bơi” trong cuộc đời mình, hãy lập kế hoạch rõ ràng, tự tin và kiên trì theo đuổi, đích đến sẽ mỉm cười với các bạn!”.

Giáo sư nước ngoài nói gì về tiến sĩ Dẹn ?

GS.TS. Heribert Cypionka, Chủ tịch Hội đồng khảo thí (Trường Đại học Oldenburg, Cộng hòa Liên bang Đức) nhận xét trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của anh Dẹn: “Khi Dẹn mới đến, tôi hơi e ngại và cảm thấy anh ấy cần một sự nỗ lực rất lớn để có thể hoàn thành chương trình học do những trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, hôm nay tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vui mừng khi Dẹn đã hoàn thành khóa học với điểm luận văn tuyệt đối (1.0) từ các thành viên của Hội đồng”.

GS.TS. Meinhard Simon, Trường Đại học Oldenburg (Cộng hòa Liên bang Đức), người trực tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ cho anh Trần Quốc Dẹn, chia sẻ: “Dẹn là một người rất thân thiện, vui vẻ, tận tâm. Anh ấy gây ấn tượng với tôi bởi khả năng tiếp thu các gợi ý, học hỏi rất nhanh cũng như tính độc lập và khát vọng nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Quan trọng nhất, anh ấy đã tốt nghiệp xuất sắc với những kết quả nghiên cứu thành công rực rỡ, điều đó khiến tôi rất tự hào về anh ấy”.

 

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>