Trên nền tảng những kết quả quan trọng, Hậu Giang đề ra nhiều giải pháp phát triển khả thi

03/12/2020 | 19:48 GMT+7

Năm 2020, Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua 19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ước cả năm có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 1 chỉ tiêu không đạt (tốc độ tăng trưởng kinh tế).

Môi trường đầu tư cải thiện góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động tỉnh nhà.

Kết quả đạt được trong năm góp phần quan trọng củng cố hơn nữa niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, tạo thế và lực cho sự phát triển toàn diện, vững chắc những năm tới.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo UBND tỉnh, nổi bật trong năm 2020 là GRDP bình quân đầu người đạt 52,36 triệu đồng/người, tương đương 2.257 USD, tăng 8,26% so năm 2019, đạt 106,86% kế hoạch (kế hoạch 49 triệu đồng). Tổng thu ngân sách nhà nước là 10.382 tỉ đồng, đạt 134,89% kế hoạch Trung ương giao và đạt 103,75% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021.

Theo ông Lê Phước Thái, Giám đốc Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước, tổng chi ngân sách địa phương năm nay đều vượt so với dự toán HĐND tỉnh. Tổng thu nội địa ngân sách địa phương hưởng là 3.006.050 triệu đồng, đạt 106,95% dự toán HĐND tỉnh, vượt 6,95% (tương đương 195.405 triệu đồng). Nếu loại trừ ghi thu, ghi chi, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết thì tổng thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng còn lại đạt 103,88% dự toán HĐND tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở này, dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng nhiệm vụ chi ngân sách địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn được đảm bảo; các chế độ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chế độ về lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức; các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách thường xuyên được quan tâm và bảo đảm kịp thời.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đã công nhận thêm 3 xã NTM, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2020 là 32/51, đạt tỷ lệ 62,74% tổng số xã; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên, có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn NTM, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai vượt kế hoạch đề ra, đến nay đã công nhận 29 sản phẩm OCOP, góp phần tăng giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.

 Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu ước năm 2020 đạt 1.061 triệu USD, tăng 15,08% so năm rồi, đạt 115,3% kế hoạch. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 607 triệu USD, tăng 7,89%, đạt 95,7% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 391 triệu USD, tăng 29,9%, đạt 177,7% kế hoạch.

Theo Sở Công thương, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng tình hình xuất khẩu năm 2020 vẫn tăng khá, nguyên nhân là dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát. Mặt khác, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) bắt đầu có nhiều đối tác ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới. Trong cơ cấu xuất khẩu năm 2020, một số mặt hàng xuất khẩu mạnh như: hàng rau quả tăng 22%, giày dép tăng 25%, sản phẩm gỗ tăng 28% so năm 2019. Cơ cấu nhập khẩu có nhiều mặt hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị tăng 214%; nguyên liệu dệt may, da giày tăng 86%, hóa chất tăng 51%...

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục cải thiện, tỉnh đã chủ động tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tham gia một số hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở khu vực; xây dựng, ban hành danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư; triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025… Qua đó, toàn tỉnh có thêm 730 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 4.179 tỉ đồng, tăng 21% về số doanh nghiệp và tăng 44% về vốn đăng ký. Tỉnh cũng cấp chủ trương đầu tư cho 29 dự án với tổng số vốn là 3.308 tỉ đồng, tăng 22% so năm 2019 và tạo việc làm cho 4.811 lao động.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến. Các trường trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp học. Đến nay, Hậu Giang có 261/326 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80,06% tổng số trường.

Các địa phương còn chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19, triển khai tốt công tác quản lý và cách ly người nước ngoài về địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại không ghi nhận trường hợp nào nhiễm trên địa bàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tiếp tục được đầu tư, công tác y tế dự phòng, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm được tập trung thực hiện. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia.

Bằng nhiều biện pháp tạo điều kiện cho lao động sản xuất kinh doanh, tỉnh đã tạo việc làm mới cho 17.300 lao động, đạt 115,3% kế hoạch. Tổ chức thực hiện 23 cuộc giao dịch việc làm và tuyên truyền công tác hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đào tạo nghề cho 11.195 lao động, tăng 18,4%, đạt 172,2% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,19%, tăng 5,51%...

Nhiều giải pháp khả thi để phát triển hơn

Năm 2021, mục tiêu Hậu Giang đề ra là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung đầu tư hạ tầng công nghiệp, công nghệ thông tin, giao thông, thủy lợi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội; du lịch, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để cụ thể hóa thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả. Theo đó, sẽ tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS); tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo; tổ chức tốt công tác đối ngoại, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Song song đó, tỉnh sẽ tái cơ cấu nông nghiệp, thủy sản, cây ăn trái gắn với xây dựng NTM. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Phấn đấu GRDP khu vực I tăng 2,25%; giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 tăng 3%; tỷ trọng khu vực I trong cơ cấu kinh tế giảm còn 25,36%.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 50 của UBND tỉnh về khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tìm kiếm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh mới. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đối với các mặt hàng chủ lực xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện việc cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản an toàn, tạo tiền đề từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh... để có đủ điều kiện xuất đi nước ngoài hoặc đưa vào các siêu thị trong nước.

Đối với lĩnh vực văn hóa, xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng, kỷ niệm các sự kiện của tỉnh và đất nước trong năm 2021, đặc biệt là thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Triển khai thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hậu Giang. Triển khai thực hiện kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng cho biết, tỉnh sẽ có nhiều biện pháp để triển khai Chương trình phát triển công nghiệp và logistics Hậu Giang 5 năm 2021-2025. Theo đó, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp và các cơ sở xay xát thóc, gạo trên địa bàn hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục đề nghị Bộ Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được quy định tại Nghị định số 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, qua đó giúp tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu gạo trực tiếp.

Bằng những nỗ lực vượt khó trong thời gian qua và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đột phá đề ra trong năm tới, tin rằng năm 2021, Hậu Giang tiếp tục phát triển bền vững...

Bài, ảnh: MỸ AN - T.SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>