Thảo luận trách nhiệm, mong muốn giải quyết các đề xuất chính đáng của cử tri

14/07/2023 | 08:39 GMT+7

Phiên họp thứ ba, Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tổ. Tại đây, nhiều vấn đề cấp thiết, bức xúc được các đại biểu thảo luận sôi nổi, cùng với những góp ý cho các tờ trình, dự thảo nghị quyết và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Tiếm, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đề xuất có giải pháp hỗ trợ nông dân canh tác bị ảnh hưởng dự án đường cao tốc.

Không khí thảo luận tại các tổ đều thể hiện  tâm huyết, trách nhiệm, với nhiều ý kiến phát biểu, giải trình và tranh luận vào những vấn đề trọng tâm liên quan, ảnh hưởng mật thiết đến đời sống người dân.

Cần hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng đường cao tốc

Tham gia ý kiến tại Tổ thảo luận số 1, đại biểu Nguyễn Hồng Quân, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, cho rằng, mùa lũ năm rồi khá cao, từ đó ảnh hưởng đến hệ thống đê bao của tỉnh là rất lớn. Theo đại biểu Quân, qua khảo sát của HĐND tỉnh thì các tuyến đê bao, trạm bơm tại nhiều địa phương có biểu hiện xuống cấp, do đó cử tri rất quan tâm và đề nghị tỉnh cần có nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

 Cùng quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Tiếm, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, cho biết, qua tiếp xúc trên địa bàn tỉnh Vị Thủy, tại một số xã có dự án đường cao tốc đi qua, có tình trạng bà con nông dân phản ánh hiện không có đường nước tưới tiêu, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác.

“Điển hình như xã Vị Thắng, hiện có 18 hộ vừa qua không thể xuống giống vụ Hè thu do không có đường nước. Bà con không xuống giống được thì để đất trống hoang phí, chúng ta có giải pháp hỗ trợ cho bà con hay không?”, đại biểu Tiếm nêu quan điểm.

Còn cử tri Trần Văn Huynh, huyện Vị Thủy, bày tỏ việc xây dựng các mô hình, liên kết chuỗi giá trị hiện nay chưa được làm tốt. Theo ông Huynh, tỉnh cần có kế hoạch chi tiết cho từng huyện, từng xã; xây dựng chuỗi giá trị như thế nào, giúp người dân nắm bắt và canh tác, từ đó mới có thể hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá như hiện nay.

Tham gia tại Tổ thảo luận số 1, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, qua ý kiến của đại biểu Quân, ngành nông nghiệp cũng rất đồng tình. Bởi thời gian qua hệ thống thủy lợi đã xuống cấp nhiều do ảnh hưởng của các đợt lũ.

Theo ông Long, trong năm 2022 tỉnh đã cấp ngân sách hơn 20 tỉ đồng để khắc phục các tuyến đê bao, trạm bơm hư hỏng, xuống cấp tại một số địa phương. Về các giải pháp căn cơ, theo ông Long, về phía ngành nông nghiệp và UBND tỉnh cũng đã nhận thấy vấn đề này.

 “Hiện UBND đã chủ trương thuê một đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để có thể quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Khi hoàn thành thì chúng ta sẽ sử dụng nguồn tiền từ thủy lợi phí để có kinh phí thường xuyên nhằm hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng, khắc phục các hệ thống đê bao, trạm bơm xuống cấp”, ông Long cho biết. 

Đối với vấn đề chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước mắt đối với các hợp tác xã liên kết cần đảm bảo tuân thủ hợp đồng bao tiêu, không để xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng. Đồng thời, ông Long cũng thông tin: “Hiện tỉnh có chủ trương xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và đang trong quá trình xây dựng, sau khi xây dựng xong thì chúng ta sẽ xác định các vùng trồng theo cơ sở khoa học. Đặc biệt, là quy hoạch tỉnh sắp tới nếu được thông qua, từ đó sẽ có quy hoạch cụ thể vùng trồng tại từng địa phương”.

Riêng vấn đề các hộ bị ảnh hưởng tưới tiêu do dự án cao tốc, theo ông Long qua rà soát số lượng đơn vị bị ảnh hưởng cũng tương đối lớn, hiện Sở đang phối hợp với các địa phương rà soát lại tuyến kênh thủy lợi nào cần làm, cần nạo vét, giải pháp như thế nào, đồng thời ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị đầu tư dự án) để có giải pháp cụ thể tháo gỡ cho bà con. 

Làm thế nào để Đề án Hậu Giang xanh phát huy hiệu quả ?

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp thì vấn đề môi trường cũng được rất nhiều đại biểu, cử tri quan tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Đông, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Ngã Bảy, đối với tờ trình và dự thảo nghị quyết liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Đề án Hậu Giang xanh, thì với các tổ vệ sinh môi trường, việc bố trí xe đẩy tay cho tổ thu gom rác chưa phù hợp, đề xuất bố trí xe máy, xe kéo. Bên cạnh đó, việc xây bể chứa các chai lọ thủy tinh, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cần liên kết giữa các ấp, ngoài ra hiện tại các bể chứa xây không đảm bảo thẩm mỹ.

Cùng quan tâm vấn đề này, cử tri Nguyễn Văn Bền, thành phố Ngã Bảy cho rằng, Đề án Hậu Giang xanh rất thiết thực và hiệu quả, xong khi triển khai, người dân có nhiều ý kiến khác nhau, như việc bố trí thùng rác quá xa, có nơi 200-300m. Điều chỉnh lần này, đề nghị bố trí mỗi điểm 2 thùng để người dân phân loại rác, đúng theo tinh thần đề án.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành và triển khai Đề án Hậu Giang xanh là rất thiết thực. Song đến nay, có một số điểm chưa phù hợp, cũng như có thay đổi từ quy định pháp luật nên cần phải điều chỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy rằng, đối với Đề án thì khâu tổ chức thực hiện là quan trọng nhất, bởi khi mỗi người dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình, thì đề án mới có thể phát huy hiệu quả.

Chia sẻ về ý kiến của đại biểu, ông Cường cho biết, đối với yêu cầu tăng cường bố trí thêm các thùng rác tại các tuyến đường, theo ông Cường việc bố trí cần phải tùy thuộc vào lượng rác thải, số hộ dân, điều kiện thực tế để bố trí, vấn đề này đã được giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện và cấp xã sẽ khảo sát và bố trí phù hợp, chứ đề án không quy định định mức cụ thể. 

Về ý kiến của đại biểu Tuyết Đông, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình xây dựng Đề án, đã tổ chức lấy ý kiến các cấp, qua đó thì đề xuất hỗ trợ xe máy, các địa phương cho rằng không phù hợp. Do đó, trong dự thảo lần này chỉ đề xuất hỗ trợ chi phí tiền xăng, dao động từ 150.000-300.000 đồng, tối đa là 300.000 đồng đối với một tổ vệ sinh môi trường.

Về vấn đề các bể chứa chai lọ, bao thuốc bảo vệ thực vật, theo ông Cường tùy theo diện tích đất nông nghiệp của mỗi một khu vực, từ đó xác định lượng rác thải, bao bì là bao nhiêu để bố trí bể cho phù hợp.

 “Trung bình, trong Đề án là 39ha chúng ta sẽ bố trí một bể, nguyên nhân không phải do chúng ta bố trí bể chưa đủ, mà một phần xuất phát từ việc người dân sử dụng bể không đúng quy định, thực tế là các bể chứa nhiều loại rác thải không phải là bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật… Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức người dân. Về thẩm mỹ, tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các huyện để xây dựng các bể, do đó địa phương cần phối hợp và thống nhất về thiết kế nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ”, ông Cường chia sẻ.

Sạt lở bờ sông - ưu tiên khắc phục sớm cho dân 

Tại Tổ thảo luận số 2, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, cho rằng, những kết quả đạt được của tỉnh thời gian qua được người dân, cử tri huyện Châu Thành rất vui mừng và phấn khởi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, bà con vẫn còn nhiều lo lắng, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, thể hiện rõ nhất là tình trạng sạt lở đất, sạt lở bờ sông, trên kênh rạch đang diễn biến rất phức tạp tại huyện Châu Thành.

“Trong 6 tháng đầu năm, Châu Thành có hơn 43 điểm sạt lở, dù đã khắc phục được phần nào, nhưng người dân vẫn còn rất lo lắng trước tình hình mỗi năm mỗi tăng, gây khó khăn đến việc an cư, mong muốn có biện pháp đảm bảo lâu dài”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành bày tỏ.

Giải trình kiến nghị của đại biểu, Chủ tịch UBND Châu Thành Nguyễn Hoàng Anh cho biết, về tình hình sạt lở của địa bàn Châu Thành, địa phương đã khắc phục khẩn trương ngay khi xảy ra điểm sạt lở. Đến nay, địa phương đã khắc phục hơn 30 trường hợp, còn 16 trường hợp sẽ cố gắng khắc phục ngay trong tháng 7, đảm bảo điều kiện an toàn, an cư cho người dân.

“Về kinh phí, địa phương sẽ sử dụng hết nguồn phân bổ của UBND tỉnh, đồng thời sẽ ưu tiên, bố trí ngân sách khắc phục trước, nếu hết thì địa phương sẽ báo UBND tỉnh để bổ sung, về lâu dài cũng sẽ nghiên cứu có giải pháp căn cơ, đảm bảo không để ảnh hưởng đời sống của người dân”. 

Đ.BẢO - L.KHANG ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>