Học Bác về cần cù, tiết kiệm chắc chắn sẽ làm giàu

15/02/2017 | 08:56 GMT+7

Đó là điều mà chị Đỗ Thị Ánh Tuyết, ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, khẳng định khi nói về hành trình vượt khó, vươn lên làm giàu của gia đình mình.

Cần cù lao động và chi xài tiết kiệm là bí quyết giúp gia đình chị Tuyết có được cuộc sống khá giả.

Gia đình chị Tuyết vừa trở lại quê hương thứ hai Vị Thanh sau mấy ngày về nơi “chôn nhau cắt rốn” ở tận Hà Nội để ăn tết cùng gia đình. Dù giọng nói còn mang đậm âm sắc của người Hà Nội, nhưng tính tình, cách ăn nói của chị Tuyết khá phóng khoáng, cởi mở mang hơi hướng của người dân xứ Nam bộ. Đó cũng là điều dễ, bởi gia đình chị đã về vùng đất Hậu Giang lập nghiệp ngót 19 năm nay rồi còn gì.

Là người Hà Nội nên chị Tuyết từng nghe ông bà, cha mẹ kể nhiều câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong vô số các câu chuyện kể đó, chị tâm đắc nhất về đức tính không ngại khó khăn, gian khổ của Bác để tìm đường cứu nước, cũng như cuộc sống tiết kiệm, giản dị khi Người đã là một vị Chủ tịch nước. Những điều đó thấm dần vào suy nghĩ, đức tính của người phụ nữ này, nên mọi phong ba, bão táp của cuộc đời chị đều có đủ dũng khí để vượt qua.

Nhớ lại thời điểm về huyện Vị Thanh (tỉnh Cần Thơ cũ) lập nghiệp cách đây 19 năm, chị Tuyết không khỏi bùi ngùi. Khi ấy, hai vợ chồng chị cùng đứa con trai nhỏ núm níu nhau vượt hàng ngàn cây số từ Hà Nội tìm đến với vùng đất mới với hy vọng đổi đời. Chân ướt chân ráo nên họ đối mặt với vô vàn khó khăn. Vốn giỏi nghề mộc nên hai vợ chồng xin vào làm cho một doanh nghiệp gỗ tại địa phương. Phải ở nhà trọ và lo cho con nhỏ, nên họ chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để lo cho cuộc sống. Anh Nguyễn Bá Ký (chồng chị Tuyết) bản tính rất chịu khó, lại không rượu chè nên tiền lương hàng tháng của hai vợ chồng cũng dư dả chút ít.

Biết làm công cho người khác không thể khá lên được nên hai vợ chồng quyết định “ra riêng”, thuê nhà mở cơ sở gia công gỗ cho khách hàng kiếm lời. Họ làm ngày làm đêm để giao sản phẩm thật sớm cho khách, còn chất lượng cũng được đặt lên hàng đầu. Nhờ làm ăn có uy tín nên số lượng khách hàng tìm đến cơ sở càng lúc càng đông. Có trong tay kha khá vốn, hai vợ chồng thành lập luôn cơ sở tự sản xuất các dụng cụ bằng gỗ dùng trong sinh hoạt gia đình cách đây chừng 12 năm. Hiện cơ sở của họ đang tạo việc làm cho 12 lao động, người hưởng lương thấp nhất cũng không dưới 6 triệu đồng mỗi tháng. Còn về số lượng lao động được đào tạo nghề mộc tại cơ sở thì hai anh chị không sao nhớ hết. Có người ở lại gắn bó, làm việc tại cơ sở, nhưng phần đông tự tìm hướng đi khác khi lành nghề.

Sau bao năm nỗ lực, cuộc sống của gia đình chị Tuyết giờ khá đủ đầy. Chưa dừng lại ở đó, họ đang ấp ủ dự định sẽ mua thêm máy móc, xây dựng nhà mới và mở rộng nhà xưởng sản xuất. Dường như với hai vợ chồng này, lao động là vinh quang…

“Từ khi về đây lập nghiệp đến nay, vợ chồng chị Tuyết luôn cần cù, chịu khó làm ăn và nhiều năm liền là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi. Họ cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do phường phát động”, ông Nguyễn Minh Trị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường I, nhận xét.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>