Có gì ở thư viện số trường học đầu tiên ở tỉnh ?

31/01/2024 | 08:18 GMT+7

Gần 3 năm bắt tay vào chuẩn bị, Trường THCS Tân Hòa (huyện Châu Thành A) chính thức cho ra mắt và đưa vào sử dụng “Thư viện số”, là trường học đầu tiên trên địa bàn tỉnh có thư viện thông minh gắn với mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục.

Học sinh Trường THCS Tân Hòa trải nghiệm đọc sách từ thư viện số của trường.

Học sinh, giáo viên đọc sách nhưng không cần... sách giấy

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, sau đó quét mã QR Code, giáo viên và học sinh có thể lựa chọn những cuốn sách mà mình ưa thích để đọc từ thư viện số của Trường THCS Tân Hòa.

Lần đầu tiên được trải nghiệm đọc và mượn sách từ thư viện số, em Châu Lê Bảo Trâm, học sinh lớp 9A1, bộc bạch: “Trước đây, em và các bạn thường tranh thủ thời gian ra chơi đến thư viện trường tìm đọc hoặc mượn một số sách phục vụ học tập hay giải trí. Do thời gian ở trường không có nhiều, nên đa phần chúng em chọn mượn sách về đọc là nhiều. Từ khi nhà trường có thư viện số, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, dù ở nhà nhưng em vẫn có thể vào thư viện trường dễ dàng để đọc sách. Nguồn sách phong phú, không chỉ đọc dễ dàng, chúng em còn có thể tải về để làm tài liệu hỗ trợ học tập”.

Thư viện số của Trường THCS Tân Hòa được trang bị với nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống máy tính được kết nối mạng phục vụ tra cứu sách; phần mềm thư viện số; máy quét mã QR… Cô Trần Thị Bích Hằng, nhân viên thư viện, chia sẻ: “Để xây dựng dữ liệu điện tử, thư viện trường đã số hóa với một lộ trình rất dài để có được số lượng sách giáo khoa 6, 7, 8 và một phần sách tham khảo cập nhật đúng chuyên môn. Hiện 3.492 tài liệu giấy tại thư viện truyền thống của trường đã được mã hóa số, giáo viên và học sinh có thể vào mượn bằng cách quét mã QR Code, không còn phải ghi phiếu mượn sách trên giấy như trước đây”.

Nếu trước đây, đến thư viện truyền thống cần đọc sách học sinh phải tìm sách ở các kệ được phân loại theo môn, chủ đề… khi muốn mượn sách về nhà đọc, nhân viên thư viện phải ghi lại thông tin người mượn. Còn với thư viện số, chỉ cần quét mã QR Code, giáo viên và học sinh sẽ truy cập được vào website Thư viện số Trường THCS Tân Hòa. Trên cổng thông tin thư viện số, sẽ có trang thư viện với 5 phần: Trang chủ, giới thiệu, tra cứu, thông báo và hướng dẫn sử dụng. Trên thư viện số, giáo viên và học sinh có thể đọc sách online, cũng như biết được kho sách ở trường có những loại sách nào và có thể đặt mượn trước ở nhà thông qua trang website từ thư viện.

Kỳ vọng nhân rộng

Ông Nguyễn Phước Trung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện trường học là hướng đi mới trong chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại. Để nâng cao chất lượng hoạt động trong chuyển đổi số, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo bộ phận thư viện xây dựng cập nhật tài liệu điện tử để phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh theo hướng số hoá”.

Thông qua website cổng thư viện số Trường THCS Tân Hoà, giáo viên và học sinh có thể truy cập vào bộ sưu tập sách điện tử đa dạng bao gồm sách giáo trình, truyện cổ tích, sách y học, nấu ăn… và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây những cuốn sách đã được kiểm duyệt nội dung chất lượng, phù hợp với độ tuổi và trình độ của học sinh. Qua đây, giúp phát huy văn hóa đọc, vốn từ vựng và kỹ năng học tập của học sinh một cách hiệu quả.

Nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, để góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số chung của huyện, ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, cho biết: “Từ năm 2019, phòng đã cho triển khai phần mềm thư viện, nhưng đây chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động trong thư viện truyền thống. Cuối năm 2023, chúng tôi đã thuê phần mềm thư viện số cho tất cả trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện sử dụng. Đầu năm 2024, chính thức triển khai phần mềm thư viện số, với sự chủ động chuẩn bị trước các nguồn tài nguyên số, Trường THCS Tân Hòa là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện, đã cho ra mắt được thư viện số. Nếu các trường cùng áp dụng phần mềm thư viện số, huyện sẽ có nguồn tài nguyên chung khá lớn qua đây, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác dạy và học của địa phương”.

Với thư viện số, các thầy cô giáo và học sinh dù ở bất cứ đâu cũng có thể đọc được những nội dung hay trên thư viện số của trường bằng thiết bị điện thoại, máy tính, latop…

Từ thư viện số sẽ không chỉ góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường học, tạo ra một nguồn tài nguyên số phong phú cho mỗi địa phương.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>