Ý ĐẢNG – LÒNG DÂN: TỪ THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH HẬU GIANG

27/09/2023 | 15:28 GMT+7

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện và phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ nói chung, vùng đồng bào dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay một số đối tượng xấu đã lợi dụng những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách dân tộc để kích động lôi kéo đồng bào dân tộc Khmer nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất anh ninh trật tự tại địa phương cơ sở, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

Thời gian gần đây một số đối tượng xấu trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer tại các tỉnh miền Tây Nam bộ lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc để bịa đặt và vu khống Đảng và Nhà nước ta không cho đồng bào Khmer tổ chức các lễ hội văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam bộ như: Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây, Sen Dol ta, Óc Om Bóc, Lễ Hội đua Ghe Ngo truyền thống… để chúng đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng: "chính quyền người Việt muốn xóa bỏ văn hóa của người Khmer", muốn thực hiện chính sách "đồng hóa dân tộc Khmer". Chúng dùng luận điệu xuyên tạc, mị dân nhằm lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn các tỉnh Tây Nam bộ nói chung tham gia vào các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc hết sức nguy hiểm gây tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam vì thực tế từ năm 1930 đến nay khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập Đảng ta luôn lấy lợi ích của dân tộc đặt lên hàng đầu; luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đối với việc thực hiện chính sách dân tộc Khmer luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng, quan tâm đầu tư ở các lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa - thông tin, giáo dục và đào tạo, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, văn học - nghệ thuật, ngôn ngữ - chữ viết. Mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tôn vinh, bảo tồn, phát huy, tôn trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay có khoảng 24.103 người, chiếm tỷ lệ khoảng 3% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương không ngừng quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi, nâng cao mức sống của người dân tộc Khmer từ đó đời sống vật chất, văn hóa tinh thần từng bước được nâng lên và phát triển hơn. Đồng bào Khmer vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu đạt được của đất nước, tỉnh nhà, nổi bật như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh Hậu Giang đạt 13,94%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tổng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng/người/năm, vượt 11,63 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,61%1.

Chính quyền các cấp luôn quan tâm phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

(Từ nguồn vốn vay, đồng bào Khmer ở Huyện Long Mỹ đã thực hiện các mô hình làm ăn có hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống; Nguồn ảnh từ Báo Hậu Giang)

Từ năm 2004 đến nay đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định 135 (giai đoạn II); Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND, ngày 23/9/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 29,3 tỷ đồng; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 11/4/2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tổng kinh phí là 36,3 tỷ đồng. Nhờ thực hiện tốt các kế hoạch này mà (mức GRDP) thu nhập bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng/người/năm, bình quân của đồng bào Khmer trên địa bàn là 57,38 triệu đồng/người/năm, tăng 6,9 triệu đồng so với năm 20182. Trên 97% đồng bào Khmer được sử dụng điện an toàn, 90% được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trường, lớp học trong vùng đồng bào Khmer được xây dựng kiên cố, các xã trong vùng đồng bao Khmer có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông hóa, tất cả các ấp trong vùng đồng bào Khmer có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.

(Đào tạo nghề để người dân có việc làm, tăng thu nhập là một trong những chính sách thiết thực góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Hậu Giang.)

Thông qua các chương trình hỗ trợ nhà tình thương, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống để sản xuất kinh doanh, mở lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật…nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm Chính quyền các cấp đã chăm lo cho tốt đời sống của đồng bào Khmer. Từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình 134, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống đồng bào Khmer trên địa bàn ngày càng được nâng lên, chuyển dịch dần từ cơ cấu sản xuất nông nghiệp truyền thống sang công nghiệp và dịch vụ, thu nhập tăng, phát triển nhiều quan hệ giao thương hàng hóa. Trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang tiếp tục tranh thủ vận dụng quỹ đất, nguồn lực xã hội hóa để chung tay giúp đở đồng bào Khmer để đồng bào ổn định cuộc sống.

(Hỗ trợ xây nhà cho đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số ở huyện Long Mỹ theo chương trình 135 của chính phủ)

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer luôn được quan tâm. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, gắn với xây dựng các xã nông thôn mới, phường đô thị văn minh. 100% đồng bào Khmer được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Có 98% ấp trong vùng đồng bao Khmer có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% ấp có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên, khá chất lượng. Hổ trợ nhạc cụ, trang phục Aday thuộc Dự án 6 của chương trình mục quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bao dân tộc thiểu số đầu tư cho 06 điểm chùa (gồm: Khum 06 cái, Đàn cò 06 cây, sáo 06 cây, trống 06 cái, 06 bộ gõ và 05 trang phục Aday với tổng kinh phí là 218 triệu đồng)3. Bên cạnh đó, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang, Báo Hậu Giang quan tâm truyền tải phóng sự, viết tin, bài, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt, sự kiện liên quan đến đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh; nêu gương người tốt, việc tốt trong đồng bao Khmer và phê bình việc xấu. Bản tin bằng tiếng Khmer thực hiện đều đặn định kỳ hàng tuần, mỗi chuyên mục thời sự khoảng 15 phút, xây dựng công phu bằng song ngữ tiếng Việt và Khmer, phục vụ cơ bản việc truyền tải những thông tin quan trọng liên quan đến đời sống hàng ngày của đồng bào Khmer.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer luôn được duy trì và phát triển. Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, Lễ Sen đônta, Lễ Óc Om bóc (lễ cúng Trăng); Tết Nguyên tiêu……luôn được chính quyền tạo mọi điều kiện để đồng bào tổ chức không có hiện tượng cấm đoán hay ngăn cản. Thậm chí hằng năm các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đều đến thăm và chúc tết nhân dịp các ngày lễ, hội của đồng bào Khmer.

(Lễ hội Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer ở Hậu Giang)

Các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tạo điều kiện về cơ chế và hỗ trợ về kinh phí để giữ gìn, phát huy. Các cấp, các ngành của tỉnh luôn rất quan tâm, tổ chức thực hiện tốt đối với chính sách bảo tồn về ngôn ngữ, chữ viết và các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng được hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc bảo quản, gìn giữ các di tích lịch sử ở từng vùng, từng địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào Khmer phát triển.

Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển đặc biệt là vùng đồng bào Khmer, mạng lưới trường, lớp các cấp học, nhất là hệ thống các trường mẫu giáo, mầm non được đầu tư và bố trí theo địa bàn và phân bố dân cư, chất lượng giáo dục ở trường phổ thông dân tộc nội trú và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, thực hiện tốt chính sách cử tuyển, chính sách miễn giảm học phí; Các chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện khá tốt, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trạm y tế, chăm lo tốt cho đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi,…Chất lượng khám chữa bệnh đã được cải thiện nhờ chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật mới. Hỗ trợ kinh phí để trùng tu, sửa chữa các chùa được công nhận di tích, chùa có công với cách mạng. Thực hiện tốt chính sách người có uy tín, cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng bộ tỉnh luôn đảm bảo thực hiện tốt chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo. Toàn tỉnh có 15 chùa Khmer, có 01 Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, có 04 chùa và 15 hội đoàn người Hoa là các điểm tôn giáo, tín ngưỡng được chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện duy trì hoạt động tín ngưỡng theo từng dân tộc4; tình hình hoạt động của các chùa và hội trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Theo thông lệ, tập quán các chùa hàng năm có tổ chức các ngày Lễ, Tết truyền thống của Tôn giáo gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số, tổ chức An cư kiết hạ theo nghi thức Tôn giáo và các ngày Lễ khác trong năm; công tác dạy và và học giáo lý, Pali-Khmer đến con em và các vị sư sãi là đồng bào dân tộc Khmer tại các điểm chùa luôn được chính quyền quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi (Năm 2022 có 02 lớp: 01 lớp học sơ cấp Pali tại chùa Bô Tum Vong Sây thị trấn Cái tắc, huyện Châu Thành A với học viên tham gia lớp học là 14 người; 01 lớp học lớp Vini tại chùa Pô Thi Răng Sây Khu vực 1, phường IV, thành phô Vị Thanh với học viên tham gia lớp học là 07 vị5) điều đó cho thấy Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm và thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng đối với đồng bào Khmer cần biết rằng đồng bào Khmer ở Hậu Giang chỉ chiếm hơn 3% dân số của tỉnh.

Đạt được thành tựu trên tất cả là nhờ vào sự đồng lòng, quyết tâm, sự đoàn kết thống nhất của tất cả các dân tộc trên địa bàn tỉnh và hơn hết chính là sự lãnh đạo của Đảng, việc thực hiện chính sách của Nhà nước luôn nhất quán vì mục tiêu chung. Tỉnh Hậu Giang đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 25 – NQ/TW (2003) về công tác dân tộc; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); đặc biệt là việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Hậu  Giang….vào thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó mức sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng tăng lên, những đặc trưng văn hóa của dân tộc Khmer giờ đây trở thành những sản phẩm văn hóa đặc thù góp phần làm giàu cho văn hóa vùng đất Hậu Giang nói riêng, vùng đất Nam Bộ nói chung. Trong 19 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn tập trung đẩy mạnh việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc Khmer, nhất là các chính sách, chủ trương có liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, các giá trị truyền thống văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quan tâm thực hiện công tác dân tộc Khmer luôn được cấp ủy, chính quyền xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhiều chính sách liên quan đến dân tộc Khmer được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó cơ cấu kinh tế vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh chuyển dịch đúng hướng, liên tục tăng trưởng; thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm, đời sống đồng bào vùng dân tộc được nâng lên. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được triển khai; các hoạt động lễ hội truyền thống được duy trì. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận cao, củng cố thêm lòng tin của đồng bào Khmer nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước; qua đó, đồng bào Khmer an tâm hơn và tập trung vào việc đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh để cải thiện cuộc sống gia đình và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

 

MAI VĂN LỢI - TĂNG VĂN CƯƠNG - NGUYỄN THỊ HIỀN, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

 

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng  (Búa liềm vàng) lần thứ II-năm 2023. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang (2023), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang 6 tháng đầu năm 2023, Hậu Giang;

(2), (3), (4), (5). Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang (2023), Báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về “tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

(6). Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang (2020), Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2010- 2020 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025, Hậu Giang;

(7). Đảng bộ tỉnh Hậu Giang (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Hậu Giang.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>