Sợ nghèo để thoát nghèo…

25/05/2021 | 09:31 GMT+7

Đó là suy nghĩ của những “người trong cuộc”. Chính suy nghĩ ấy cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương đã thúc giục họ cố gắng làm ăn, vươn lên thoát nghèo, gầy dựng cuộc sống mới...

Chị Thủy hy vọng từ mô hình nuôi bò sẽ giúp kinh tế gia đình phát triển hơn.

Chật vật với miếng cơm, manh áo, vật lộn với túng thiếu, nghèo khó, nhiều lúc vợ chồng chị Châu Thị Thủy, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thấy bất mãn, vì nghĩ khó có thể vươn lên.

Không ruộng nương, nghề nghiệp, vợ chồng chị cật lực lao động, để lo cuộc sống mưu sinh nhưng làm ngày nào chỉ đủ ăn ngày nấy. Quần quật suốt mấy năm trời mà nghèo cứ hoàn nghèo. Mỗi khi tết đến xuân về, thấy người ta sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, mua quần áo mới cho con, bánh mứt biếu họ hàng, vợ chồng chị lại thấy buồn, thấy tủi. Với ý chí, quyết tâm tạo lập cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê hương, thay vì phải bôn ba làm mướn xứ người, anh chị mạnh dạn vay vốn thực hiện mô hình làm ăn. Với số tiền vay được và nguồn vốn được mượn từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, gia đình đã mua bò về nuôi. Ngoài nuôi bò, gia đình còn thuê bãi nuôi lục bình. Những lúc thu hoạch, chị Thủy chặt, đem phơi rồi bán lục bình ký. Còn chồng chị không ngại nặng nhọc chở đất thuê, mỗi chuyến lời cũng được vài trăm nghìn đồng. Chị Thủy bộc bạch: “Nghèo không phải là cái tội mà chỉ có lười biếng mới tội. Có những ngày vợ chồng tôi đi làm tối mịt mới về đến nhà, bụng đói chân run. Mình nghèo, không có điều kiện thì phải cố gắng mà làm, giờ đây mỗi thứ cho thu nhập một ít cuộc sống cũng dễ thở hơn. Tôi dự định tháng 9, tháng 10 này sẽ sửa lại căn nhà, rồi mua thêm bò về nuôi. Hy vọng kinh tế gia đình phát triển hơn, tránh tình trạng tái nghèo”.

Cũng với ý chí vượt khó đã giúp gia đình anh Trần Văn Cẩu, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, vượt qua nghèo khó. Nhìn căn nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng gia đình anh phải trải qua biết bao gian truân, khó nhọc mới có được cuộc sống ổn định như hôm nay. Anh Cẩu nhớ lại, ngày xưa vất vả lắm, gia đình không có “cục đất chọi chim”, vợ chồng anh thuê bãi để nuôi lục bình, ngoài ra còn đi làm thuê, làm mướn để lo miếng cơm, manh áo và chuyện học hành của con. Cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau, nên chuyện thoát được cảnh nghèo dường như quá khó. Và cuộc sống đã bước sang trang mới, khi gia đình được vay vốn để mở rộng diện tích nuôi lục bình. Nhờ làm ăn có hiệu quả và tiết kiệm trong chi tiêu, cuộc sống được cải thiện và thoát nghèo. Đáng phấn khởi là gia đình đã dành dụm cất được căn nhà vững chãi để ở. Theo anh Cẩu, để có được cuộc sống của hôm nay, ngoài được hỗ trợ vay vốn, cả nhà đã nỗ lực không ngừng nghỉ, nhất là tâm lý sợ nghèo đã thúc giục anh quyết tâm phấn đấu thoát cảnh khó khăn. “Là hộ nghèo, vợ chồng tôi rất mặc cảm với mọi người. Thoát nghèo rồi, chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn, tránh tái nghèo, bởi chúng tôi sợ nghèo lắm”, anh Cẩu cho biết.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, cấp ủy, chính quyền xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp luôn đau đáu và trăn trở với mục tiêu giảm nghèo. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, trong đó coi công tác giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của người dân, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. “Trong các giải pháp thoát nghèo, thì việc phát huy nội lực của người dân là quan trọng nhất, dù có được đầu tư mà người dân không quyết tâm vượt khó thì kết quả cũng không được như mong đợi”, ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, cho biết.

Còn ông Nguyễn Minh Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cho rằng, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết đến khi nào mới có thể thoát nghèo.

Nâng cao nhận thức người nghèo là một trong những giải pháp căn cơ để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững mà các cấp, các ngành và địa phương tập trung quan tâm. Bởi khi mọi người sợ nghèo, thì họ sẽ chủ động phấn đấu vươn lên để làm giàu cho chính bản thân, gia đình và xã hội...

Toàn tỉnh còn 6.965 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,4% dân số. Năm 2021, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1%. Để thực hiện, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chính sách giảm nghèo bền vững đến người dân, nhất là người nghèo đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn gắn với hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tỉnh hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tập trung thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời để người nghèo phát triển sinh kế…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>