Giảm nghèo ở tỉnh từng nghèo nhất miền Tây: Từ nỗi lo, quyết tâm biến thành hành động

02/12/2023 | 14:04 GMT+7

Thống kê từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 1.000 hộ dân toàn tỉnh chủ động xin thoát nghèo, đây là những điển hình về sự chủ động vươn lên, giúp công tác giảm nghèo ở Hậu Giang đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Bài 2: “Tui xin trả sổ hộ nghèo, ráng mần giàu, mần khá”

Chia sẻ của anh Bùi Tấn Bình, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A cũng là suy nghĩ của những hộ nghèo xin được thoát nghèo ở tỉnh này.

Anh Bùi Tấn Bình, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, đã thoát nghèo trong năm nay.

Không trông chờ, ỷ lại

Gia đình anh Nguyễn Văn Uôn, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, một trong những hộ thoát nghèo trong năm nay. Trước đây, dù chăm chỉ làm ăn, nhưng do chưa tiếp cận được với phương pháp nuôi trồng, sản xuất hiện đại, anh Uôn liên tiếp gặp thất bại trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Cái nghèo vì thế cứ bám riết, anh Uôn bộc bạch: “Nhà có 5 đứa con, không có ruộng đất sản xuất, vợ chồng tôi chủ yếu làm thuê, làm mướn, cuộc sống chỉ đủ ăn”.

Năm nay anh Uôn chủ động tham gia học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, để thực hiện mô hình sinh kế nuôi dê do xã hỗ trợ. Địa phương còn xem xét hỗ trợ nhà tình thương cho gia đình. “Nhìn đàn dê được hỗ trợ lớn nhanh, rồi căn nhà Đại đoàn kết đang trong giai đoạn hoàn thiện, gia đình tôi mừng lắm. Con gái thứ 4 của gia đình đã nghỉ học mấy năm nay, giờ được địa phương tạo điều kiện cho học nghề”, anh Uôn phấn khởi.

Năm nay gia đình anh Bùi Tấn Bình, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, cũng quyết tâm thoát nghèo, tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo. Vợ bỏ đi do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một mình anh nuôi 3 con gái trong độ tuổi đang lớn. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, anh Bình đi làm thuê, làm mướn, từ khi tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cuộc sống gia đình đã dần ổn định.

Anh Bình tâm sự: “Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, nhà có một công đất vườn, trồng trọt hoài không hiệu quả, nhờ tiếp cận với vốn vay, tôi trồng được ít sầu riêng, vú sữa… giờ cây trái đã gần cho thu hoạch. Mấy con tôi giờ đã lớn, bớt đi gánh nặng kinh tế, mới đây địa phương hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng để cất lại nhà mới. Thấy cuộc sống đã ổn, nên năm nay tôi xin đăng ký thoát nghèo, trả sổ hộ nghèo cho địa phương”.

Để tạo điều kiện cho gia đình anh Bình thoát nghèo trong năm, địa phương cũng nhiều lần giới thiệu cho gia đình anh Bình tham gia các dự án, tiểu dự án hỗ trợ cho hộ nghèo như hỗ trợ sinh kế, tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng anh chia sẻ thấy mình có đủ điều kiện để thoát nghèo, nên nhường cho những ai thật sự cần.

Thoát nghèo để xây dựng cuộc sống mới

Thoát nghèo, cuộc sống gia đình chị Kiều ngày càng ổn định.

Từ hai bàn tay trắng, phải chạy ăn từng bữa, với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Mai, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh, xin thoát nghèo vào cuối năm 2022 và có cuộc sống ổn định. Bà Mai chia sẻ: “Mỗi ngày, từ 2 giờ sáng là tôi đem bánh giao cho các mối ở chợ, sau đó tôi quay về nhà chuẩn bị các nguyên liệu và bắt tay vào gói bánh cho ngày hôm sau. Nhờ nghề gói bánh, kinh tế gia đình tôi cải thiện, dẫu phải dậy sớm, ngồi cả ngày để làm, đau lưng, nhức mỏi, nhưng ngày nào không gói bánh, tôi thấy thiếu thiếu không quen”.

Bà Mai bắt đầu kể về một thời gian khó... ngày xưa, vì không có đất đai, nghề nghiệp nên vợ chồng bà đi giăng lưới kiếm cá, mỗi ngày như thế cũng đủ lo cơm nước, sinh hoạt trong gia đình. Cá kiếm được ít dần, thu nhập giảm nhiều, không đủ để xoay xở sinh hoạt hàng ngày. Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng bà quyết định gói bánh lá dừa bán kiếm thêm, hy vọng cải thiện cuộc sống gia đình. Mới đầu, mỗi ngày bà chỉ gói với số lượng ít, khoảng 2kg nếp rồi ngồi bán ở chợ.

Nhờ nghề gói bánh tét, bánh ít, bánh lá dừa, gia đình bà Mai đã thoát nghèo.

Nhờ chất lượng bánh thơm ngon được người tiêu dùng ủng hộ. Thấy nghề này thu nhập khá, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ phường IV, bà vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng, để mua nguyên liệu gói bánh. Từ ngày có vốn bà gói thêm bánh tét, bánh ít. Dần dà, nhiều người biết đến tay nghề làm bánh của bà nên số lượng bán ra ngày một nhiều. Để giúp gia đình thoát nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã tạo điều kiện để bà tiếp tục vay vốn, phát triển nghề làm bánh.

Hiện nay, mỗi ngày bà gói từ 40-50kg nếp với các loại bánh tét, bánh ít, bánh lá dừa, chủ yếu bỏ mối ở chợ Vị Thanh. Bình quân mỗi ngày trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 300.000 đồng. Ngoài bán bánh hàng ngày, bà còn nhận gói bánh đám tiệc. Bà Mai bộc bạch: “Theo tôi, chỉ cần có sức khỏe, chịu khó, biết vượt qua khó khăn và tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sẽ cải thiện cuộc sống, thoát nghèo”.

Còn chị Ngô Thị Thúy Kiều, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã có cuộc sống ổn định sau khi thoát nghèo. Trước đây, hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất, cuộc sống thiếu trước hụt sau, nên chuyện thoát nghèo quá khó với chị, mọi sinh hoạt trong gia đình và chuyện học hành của hai con đều do chị lo liệu, vợ chồng chị đã ly hôn mấy năm nay.

Nghèo khó, chị luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để có thể cải thiện cuộc sống. Chị Kiều tâm sự: “Nhiều đêm tôi cứ suy nghĩ mãi, phải làm sao thoát nghèo, để lo cho con ăn học đàng hoàng. Người ta lớn tuổi, sức khỏe yếu không đi làm được nghèo khó đã đành, đằng này tôi có sức khỏe, lao động được mà cứ là hộ nghèo thì mặc cảm với mọi người lắm”.

Quyết tâm thay đổi cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương, chị Kiều tất bật lao động, cố nỗ lực vươn lên. Thấy nhiều hộ dân ở địa phương trồng sen cho thu nhập khá, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mướn 2 công đất đầu tư vào trồng sen. Sen là cây dễ trồng, không tốn nhiều chi phí phân, thuốc, làm cỏ như các loại cây khác, tỷ lệ hao hụt lại thấp. “Trồng sen không chỉ bán được ngó, mà còn cả gương sen. Với 2 công đất, cứ cách 2 ngày tôi hái khoảng 7kg ngó để bán”, chị Kiều bộc bạch.

Cùng với trồng sen, chị còn bán tạp hóa tại nhà, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Sau những giờ lao động bên ruộng sen, chị Kiều còn đi bắt ốc, rửa củ sen mướn. Công việc cứ thế hết ngày này sang ngày khác. Làm nhiều việc, tiết kiệm trong chi tiêu, cuộc sống gia đình được cải thiện và đã trả lại sổ hộ nghèo. “Thoát nghèo rồi, mong sao có đủ sức khỏe để lao động, chỉ cần có sức khỏe chuyện nặng nhọc đến mấy tôi cũng cố gắng mà làm”, chị Kiều bộc bạch.

Bằng ý chí vươn lên, siêng năng, chịu khó cộng với sự quan tâm, tiếp sức kịp thời của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã giúp gia đình anh Bình, anh Uôn, bà Mai, chị Kiều có đủ điều kiện trả lại sổ hộ nghèo và hướng tới một tương lai khá giả hơn. Từ những nỗ lực của gia đình bà Mai, chị Kiều và nhiều hộ nghèo khác, tin rằng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân...

THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>