Chăm lo người yếu thế

28/06/2021 | 06:42 GMT+7

Nhiều hoạt động ý nghĩa, đem niềm vui đến nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn đã được triển khai, mang lại những kết quả thiết thực...

Có được căn nhà tình thương vững chãi để ở, chị Oanh (thứ 4 từ trái qua) rất phấn khởi.

Đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn

Những ngày gần đây, căn nhà của chị Thị Mai Oanh, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, vui hơn khi bà con, lối xóm đến chúc mừng mẹ con chị có căn nhà vững chãi để ở. Nhìn nền gạch bóng loáng rồi nhìn mái nhà, chị Oanh vui mừng cho biết: “Nhờ mấy cô, chú, anh, chị ở Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động, mẹ con tôi mới có căn nhà đẹp như thế này. Trước đây, dù có nằm mơ, tôi cũng không dám nghĩ có ngày mẹ con tôi sẽ có căn nhà riêng của mình”.

Trong căn nhà vững chãi, sạch đẹp, đứa con trai 8 tuổi của chị Oanh cứ khoe với mọi người rằng được ở nhà mới. Nhìn em liến thoắng cười nói, ai nấy đều cảm nhận được niềm vui của gia đình. Ngồi kế bên đứa cháu ngoại, bà Sơn Thị The (mẹ chị Oanh) bộc bạch: “Có căn nhà này, đâu chỉ mẹ con con Oanh vui, vợ chồng tôi còn mừng hơn nữa”. Bà bảo rằng, mẹ con chị Oanh rất tội nghiệp, nhà sập mấy năm rồi nhưng vì không có tiền dựng lại nên ở nhờ nhà bà. Mỗi ngày chị Oanh đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền lo cho con đi học, còn chuyện cơm nước thì vợ chồng bà lo. Bà The chia sẻ thêm: “Mang bầu mới có 7 tháng là về bên đây ở. Rồi sanh thằng nhỏ mới hơn 20 ngày thì chồng nó bỏ đi, tới giờ cũng chẳng tới lui. Thấy con cực khổ, nghèo khó, vợ chồng tôi cũng buồn lắm, nhưng ngặt nỗi chúng tôi cũng khó khăn đâu giúp được gì nhiều. Được mọi người giúp đỡ, nhìn con có nhà cửa ổn định, vợ chồng tôi mừng và cảm ơn mọi người nhiều lắm”.

Những căn nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ mà các cấp hội đã vận động xây dựng không chỉ là sự ủng hộ về vật chất, tạo điều kiện cho người nghèo “an cư, lạc nghiệp”, mà còn thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của xã hội đối với những người thiếu may mắn. Đây chính là nguồn động viên to lớn để những người nghèo vững tin vượt qua khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động xây dựng gần 300 căn nhà chữ thập đỏ, nhà tình thương.

Trước ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều người bị mất việc làm, giảm thu nhập, cuộc sống bấp bênh, hội chữ thập đỏ các cấp đã quan tâm, tổ chức nhiều phiên chợ nhân đạo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, trao nhiều tấn gạo, nhiều phần quà, nhu yếu phẩm cho người dân. Đồng thời, phát khẩu trang, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh đến người dân. Được nhận phiếu đổi quà từ chợ nhân đạo, chị Lâm Thùy Liên, ở ấp Xáng Mới, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Gia đình vốn đã khó khăn, dịch bệnh lại khiến mọi thứ thêm chật vật. Với số nhu yếu phẩm được hỗ trợ từ Chợ nhân đạo, gia đình tôi cũng bớt được phần nào gánh nặng kinh tế”.

Lan tỏa các giá trị nhân đạo

Để giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt nỗi lo bệnh tật và gánh nặng về kinh tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện mô hình Bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Thời gian qua, các bếp ăn luôn “đỏ lửa”, trợ giúp hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân nghèo có suất ăn miễn phí, để họ thêm ấm lòng khi điều trị bệnh. Bà Huỳnh Thị Kim Hài, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, bày tỏ: “Mỗi lần tôi đi nuôi người thân nằm viện ở Bệnh viên Đa khoa tỉnh, tôi đều đến tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí để xin cơm. Mấy anh chị ở đây ai cũng nhiệt tình, vui vẻ lắm. Nhờ những suất cơm, phần cháo nghĩa tình ấy, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi đỡ hết sức”.

Với giá trị nhân văn sâu sắc, mô hình đã thu hút nhiều nhà hảo tâm và Nhân dân tham gia. Theo ông Lê Công Cường, Phó Ban thường trực Tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổ có 69 người tham gia, chia làm 7 ca trực, mỗi ca từ 7 đến 9 người. Những anh chị tham gia tổ có người vài tháng, có người chục năm và trên hai mươi năm. Tuy không phải ai cũng dư dả, giàu có nhưng với tấm lòng thiện nguyện, mọi người không nề hà công sức, để góp phần trao tặng cho những bệnh nhân và thân nhân của họ những suất cơm, phần cháo thấm đượm nghĩa tình.

Trong suốt hành trình thiện nguyện, các cấp hội luôn bám sát cơ sở, thường xuyên khảo sát, lập danh sách các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự trợ giúp. Đồng thời, luôn sử dụng có hiệu quả, minh bạch các nguồn kinh phí được hỗ trợ, từ đó, tạo dựng niềm tin với các nhà tài trợ, với Nhân dân. Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực, mang tính nhân đạo cao cả, sắc áo đỏ của các cấp hội chữ thập đỏ đã len lỏi vào từng ngõ xóm, làm ấm lòng nhiều mảnh đời người yếu thế trong xã hội.

Theo ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, sự quan tâm của cộng đồng xã hội trong việc giúp đỡ đối tượng khó khăn chính là nguồn động viên lớn về vật chất lẫn tinh thần để mọi người vững vàng, yên tâm lao động, sản xuất. Trong thời gian tới, cùng với các hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ những người yếu thế, các cấp hội tiếp tục làm tốt hoạt động tôn vinh, biểu dương các cá nhân, tập thể đã đồng hành cùng hội trong công tác an sinh xã hội. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ các hoạt động nhân đạo từ thiện để ngày càng có nhiều hơn nữa những người yếu thế được trợ giúp, để không ai bị bỏ lại phía sau...

Trong 6 tháng của năm 2021, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động trên 86,5 tỉ đồng, trợ giúp gần 634.000 lượt người, tăng 26 tỉ đồng so với cùng kỳ 2020. Tiêu biểu, phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam” đã vận động trao tặng trên 55.000 suất quà; vận động xây dựng gần 300 căn nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ, thực hiện 1 chương trình “Khát vọng sống”, 2 chương trình “Cảm thông và chia sẻ”, trợ giúp 3 cảnh đời với tổng số tiền 473 triệu đồng...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>