Trả lời kiến nghị của cử tri: Nhiều giải pháp cho tiêu thụ nông sản

24/12/2021 | 08:55 GMT+7

Nông dân thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ trồng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP - đặc sản được xuất bán nhiều nước trên thế giới.

Cử tri kiến nghị:

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số mặt hàng nông sản của nông dân rớt giá hoặc bán không được. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp giúp nông dân tiêu thụ các loại nông sản, tìm kiếm thị trường mới, xây dựng các sàn giao dịch nông sản điện tử nhằm quảng bá hình ảnh các loại nông sản Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng chỉ dẫn địa lý và các tiêu chuẩn chung về an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ xuất khẩu tại các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Canada...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và lưu thông nông sản, giá cả một số nông sản suy giảm gây thiệt hại cho nông dân. Để hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm:

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp, đồng thời rà soát, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ tại các Nghị quyết số 42 ngày 09/4/2020, Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020, Nghị quyết số 154 ngày 19/10/2020 và các Quyết định số 15 ngày 24/4/2020, Quyết định số 32 ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 105 ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể:

+ Tập trung chỉ đạo sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

+ Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản.

+ Tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, dán tem truy xuất điện tử.

+ Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin giá cả nông lâm thủy sản và tình hình cung cầu hàng nông sản thiết yếu (tập trung vào lúa gạo, rau quả, thịt lợn).

+ Tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Đẩy mạnh hoạt động của 2 Tổ công tác đặc biệt của Bộ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố trong điều kiện dịch Covid-19; xây dựng kênh kết nối nông sản các địa phương và vùng miền, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26 ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 17/9/2021, Bộ còn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương tháo gỡ khó khăn, khôi phục chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 ở khu vực phía Nam bộ.

Bộ tổ chức các Đoàn công tác làm việc với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản nhằm giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam. Trong đó, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường, như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Australia (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)...

Riêng thị trường Trung Quốc, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trao đổi thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phổ biến thông tin, quy định kiểm dịch động thực vật, các biện pháp kỹ thuật trong thương mại nông sản tới các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các cơ quan của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong thương mại nông sản.

Trước dự báo những khó khăn về thị trường xuất khẩu do dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại tăng cường xúc tiến, quảng bá nông sản theo hình thức trực tuyến, gắn với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Australia - New Zealand, Trung Đông)...

Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh phân phối hàng hóa nông sản trên nền tảng trực tuyến, như: chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện phát triển kênh tiêu thụ mới cho hàng nông sản trên các Sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost), Lazada, Alibaba.com, Amazon.com; vận động và được các Sàn thương mại điện tử tích cực hưởng ứng hỗ trợ tăng cường hiển thị các sản phẩm nông sản trên website bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá hình ảnh cho nông sản. Góp phần hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch (sầu riêng, thanh long, xoài, vải, nhãn...) thông qua chuỗi siêu thị lớn, sàn giao dịch điện tử, đơn vị vận tải, viễn thông (Viettel Post, VNPT Post) và các doanh nghiệp ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, Goviet...); hỗ trợ các địa phương tiếp cận kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế một cách hiệu quả.

Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy việc đăng ký và bảo hộ các thương hiệu nông sản. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến ngày 31-12-2020, Việt Nam đã bảo hộ 101 chỉ dẫn địa lý (CDĐL), trong đó 6 CDĐL của nước ngoài và 95 CDĐL của Việt Nam. Tính đến nay, đã có 49 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ, trong đó có 26 tỉnh/thành phố đã có từ 2 CDĐL trở lên; đặc biệt, các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang có từ 5 đến 7 CDĐL... Góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng hàng hóa đó trên thị trường, cụ thể như:

+ Xây dựng CDĐL trái cây, khu vực Bắc bộ có vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); khu vực đồng bằng sông Cửu Long có chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh).

+ Thủy sản: một số sản phẩm truyền thống của địa phương đã xây dựng CDĐL như: Nước mắm Phú Quốc, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long.

+ Sản phẩm gạo đã xây dựng CDĐL đối với gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo nàng nhen thơm Bảy Núi (An Giang), gạo một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu).

+ CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột. Đã đăng ký một số CDĐL như hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Lộc Ninh, hồ tiêu Quảng Trị. Hạt điều Bình Phước cũng đang được hỗ trợ xây dựng CDĐL...

Tính đến hết tháng 6-2021, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố và ban hành tổng cộng 1.169 TCVN và 227 QCVN; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm có 402 TCVN và 32 QCVN. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát triển được 1.644 chuỗi (tăng 32 chuỗi so với cùng kỳ năm 2020), 2.346 sản phẩm và 1.085 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi. Bên cạnh đó, Bộ tập trung triển khai Năm hành động cao điểm về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Rà soát và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022 “Kế hoạch hành động quốc gia để thực thi hiệu quả Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO và cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do”; Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030”. Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn và chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam cho Thế giới”.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>