Cò lúa dỏm - Chuyện cũ nhưng nông dân cần cẩn trọng

08/09/2023 | 07:25 GMT+7

Vụ án cò lúa dỏm vừa được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử xong; là nạn nhân trong vụ án, bà Trang nói trước đó đã cùng bị cáo nhiều lần làm ăn, do tên này thông thạo địa bàn nên tin tưởng hợp tác, vậy mà nỡ lòng nào lừa gạt, chiếm đoạt tiền mồ hôi nước mắt của mình.

Nhóm cò lúa của Nguyễn Văn Út lãnh án tù vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những năm qua, nông dân canh tác lúa quen thuộc với 2 từ “cò lúa”, bởi thông qua lực lượng trung gian này, người dân và thương lái có thể mua bán lúa một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, qua các vụ cò lúa dỏm bị phạt tù sẽ là lời cảnh báo cho bà con, thương lái.

Tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng, “cò lúa” xuất hiện như một trung gian kết nối, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm lúa gạo giữa nông dân với các thương lái, nhà máy, doanh nghiệp.

Thường thì thương lái có nhu cầu mua lúa với số lượng lớn nhưng không đủ nhân lực để tổ chức thu mua trực tiếp, còn nông dân thì sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó tìm đầu ra sản phẩm khi kết thúc vụ mùa. Nắm bắt được nhu cầu thực tế trên, cò lúa xuất hiện, bên cạnh những mặt lợi thì cũng có nhiều vụ việc tiêu cực, gây hệ lụy xấu từ cò lúa.

Sau gần 2 ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Mã Hòa Khá, cựu cò lúa và là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến lương thực và bao tiêu nông sản Tân Phước, tại tỉnh Sóc Trăng 26 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, do quá trình kinh doanh thua lỗ và tiêu xài cá nhân, Khá có nợ một khoản tiền nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác để trả nợ.

Cụ thể, vào tháng 4-2019, dù không có liên hệ người dân để thu mua lúa nhưng Khá lại liên lạc với bà Nguyễn Thị Trang là thương lái ngụ tỉnh Vĩnh Long để thông báo rằng địa bàn thị xã Long Mỹ đang chuẩn bị vào vụ, Khá đã thỏa thuận với người dân bao tiêu và đề nghị bà Trang bỏ cọc thu mua, bà Trang khi đó tin tưởng nên chuyển cho Khá 600 triệu đồng tiền cọc để mua lúa, Khá sau khi nhận tiền đã chiếm đoạt của bà Trang rồi mang đi tiêu xài cá nhân.

Là nạn nhân trong vụ án, bà Nguyễn Thị Trang cho biết: “Tôi và Khá trước đó đã nhiều lần làm ăn chung, do Khá là cò lúa thông thạo địa bàn nên tôi tin tưởng hợp tác, vậy mà nỡ lòng nào lừa gạt, chiếm đoạt tiền mồ hôi nước mắt của tôi”.

Trước đó, đầu năm 2023, TAND tỉnh tuyên phạt nhóm 5 cò lúa tham gia vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn huyện Vị Thủy với mức án từ 4 đến 13 năm tù.

Đứng trước tòa, cò lúa Nguyễn Văn Út khai nhận, dù không có đặt cọc, bao tiêu mua lúa từ trước với người dân, nhưng Út cùng với 4 đồng phạm đã cùng bàn bạc thỏa thuận, phân vai, sắp xếp tình huống giả để thương lái là bà Trần Thị Cuốn tin tưởng và đồng ý ký kết hợp đồng mua bán lúa.

Cụ thể, đồng phạm của Út sẽ đóng vai trò là người môi giới địa phương. Khi bà Cuốn đến, cả hai sẽ đưa bà đi xem lúa ở những cánh đồng gần nhà. Đồng thời, nói với bà lúa do Út đưa giống giao đến bà con nông dân gieo sạ, đã có bao tiêu, đặt cọc mua từ trước nhằm tạo lòng tin.

Sau khi sắp xếp, Út gọi điện thông báo cho bà Cuốn đã có lúa bao tiêu với người dân tại Hậu Giang và đặt vấn đề bán lại. Hai bên thống nhất ngày xem lúa để lập hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, khi bà Cuốn giao cọc để mua lúa thì Út và các đồng phạm ra tay chiếm đoạt số tiền trên để tiêu xài.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, số lượng các vụ lừa đảo liên quan đến cò lúa trên địa bàn tỉnh xảy ra không nhiều, song gây bức xúc trong dư luận và bà con nông dân. Để tạo lòng tin với thương lái, các đối tượng tinh vi đưa ra nhiều thông tin gian dối như danh sách cung cấp lúa giống cho người dân gieo, sạ lúa. Sau đó, dẫn thương lái đi xem các diện tích lúa trên nhiều cánh đồng khác nhau, hứa dẫn đến gặp trực tiếp chủ đất để nói chuyện mua bán lúa, đồng thời cho người mua lúa xem hợp đồng bán lúa của các hộ dân... Các thương lái tin tưởng việc mua bán lúa là có thật và đồng ý làm hợp đồng, đặt cọc tiền cho các đối tượng. Sau khi nhận được tiền các đối tượng không giao lúa như đã thỏa thuận, tìm cách né trách, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hậu Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung là nơi có diện tích trồng lúa lớn; lúa gạo là nguồn thu nhập chính nông dân, đặc biệt là khi giá lúa thời gian qua tăng khá.

Qua các vụ việc trên thấy cho mọi người thêm cảnh giác với các giao dịch lúa gạo lớn; trước khi mua bán, chuyển tiền, cần kiểm tra kỹ thông tin; kiểm tra, xác thực địa phương, người dân mà mình sắp mua lúa. Khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện lừa gạt hay bị lừa gạt hãy kịp thời báo ngay với ngành chức năng để có biện pháp xử lý.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>