Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024

09/01/2024 | 07:30 GMT+7

Bước sang năm mới 2024, mọi người đều kỳ vọng vào những dấu hiệu tích cực hơn của thế giới, nhất là về kinh tế.

Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế Đông Nam Á có khả năng đạt được những bước tiến vượt bậc. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Lạm phát, một trong các mối lo ngại lớn trong năm 2023, hiện bắt đầu có dấu hiệu giảm dần tại nhiều nền kinh tế lớn, mở đường cho các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhằm kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn pha trộn cả những mảng màu sáng - tối, với cả những cơ hội và thách thức đan xen.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng vượt dự báo, với mức tăng 2,6%. Kinh tế Mỹ được cho là tiếp tục tăng trưởng vượt các thị trường phát triển khác, với 2,1%. Tại cả khu vực sử dụng đồng Euro và Anh, tăng trưởng thu nhập thực tế được cho là sẽ tăng mạnh, lên khoảng 2% vào cuối năm.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và “hạ cánh mềm”. Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024 nhưng nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm. Những dấu hiệu này đã thuyết phục giới chuyên gia tin tưởng về triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Trong bức tranh chung của kinh tế thế giới, các định chế tài chính khu vực và quốc tế đều đưa ra góc nhìn tích cực, lạc quan và tin rằng châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024. Ngân hàng phát triển châu Á dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay. Ngân hàng này nhấn mạnh, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tương đối lạc quan, nhu cầu trong nước lành mạnh, kiều hối dồi dào và đà phục hồi tích cực của ngành du lịch là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế.

Ở quy mô rộng hơn, theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), những rủi ro đe dọa tăng trưởng toàn cầu năm 2024 là thương mại suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Cũng theo LHQ, tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á dự kiến giảm từ 4,9% năm 2023 xuống còn 4,6% năm 2024. Trái lại, khu vực Tây Á sẽ chứng kiến kinh tế lần lượt tăng trưởng 1,7% năm 2023 và 2,5% năm 2024. Còn tại Nam Á, hai con số này là 5,3% và 5,2%. Riêng kinh tế châu Phi lần lượt tăng trưởng 3,3% năm 2023 và 3,5% năm 2024.

Trong khi nhiều thể chế tài chính quốc tế cũng nhận định, diễn biến và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng tại Trung Đông cũng như tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ hay biến đổi khí hậu… sẽ là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>