TikTok “sống” khó tại Mỹ

18/03/2024 | 07:26 GMT+7

Hạ viện Mỹ ngày 13-3 đã thông qua một dự luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải thoái vốn khỏi ứng dụng này trong vòng 6 tháng. Nếu ByteDance không thực hiện yêu cầu trên, TikTok sẽ bị cấm trên toàn nước Mỹ.

Một người phản đối dự luật về TikTok tại Quốc hội Mỹ hôm 12-3. Ảnh: REUTERS

Với 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance có trụ sở ở Trung Quốc nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm ở Mỹ. Dự luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 6 tháng hoặc sẽ phải đối diện với lệnh cấm của Mỹ. Dự luật này là biện pháp mới nhất trong loạt động thái ở Washington nhằm đáp lại những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan Trung Quốc.

Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật này đã được chuyển lên Thượng viện xem xét, tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy cơ quan này sẽ ủng hộ dự luật trên. TikTok hiện có 170 triệu người sử dụng ở Mỹ và số phận của ứng dụng này đã trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Mỹ. Các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa cho biết, đã nhận được lượng lớn cuộc gọi từ người dùng TikTok là thanh thiếu niên nhằm phản đối dự luật, đôi khi vượt số cuộc gọi yêu cầu ngừng bắn ở Gaza.

Trước khi dự luật được thông qua tại Hạ viện Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết đề xuất cấm ứng dụng TikTok của Mỹ chắc chắn sẽ gây hậu quả với chính nước này. Theo ông Uông Văn Bân, Mỹ chưa từng tìm thấy bằng chứng TikTok đe dọa an ninh quốc gia nhưng vẫn không ngừng gây sức ép với nền tảng này. Phía Trung Quốc cho rằng, hành vi của Mỹ sẽ gây gián đoạn hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty, làm tổn hại niềm tin các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư cũng như tổn hại trật tự kinh tế quốc tế và quy tắc thương mại. Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh, nếu Mỹ ra lệnh cấm, điều đó cuối cùng sẽ là đòn gậy ông đập lưng ông.

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew hôm 13-3 cảnh báo dự luật nếu được ký thành luật sẽ dẫn đến lệnh cấm TikTok ở Mỹ và sẽ cướp đi hàng tỉ USD của những người sáng tạo nội dung và doanh nghiệp nhỏ. Nó sẽ khiến 300.000 việc làm của người Mỹ gặp rủi ro.

Ông nói thêm công ty sẽ không ngừng đấu tranh và thực hiện các quyền hợp pháp của mình để ngăn chặn lệnh cấm.

Động thái hôm 13-3 là biện pháp mới nhất trong một loạt động thái ở Washington nhằm đáp lại những lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ đối với Trung Quốc, từ các phương tiện kết nối internet, chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến cho đến cần cẩu tại cảng của Mỹ.

Tháng trước, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden đã tham gia nền tảng TikTok, làm dấy lên hy vọng rằng việc ban hành luật khó có thể xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden cho biết hồi tuần trước rằng ông sẽ ký ban hành luật nếu dự luật này được thông qua tại quốc hội.

Hồi năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump từng tìm cách cấm TikTok và WeChat của Trung Quốc nhưng đã bị tòa án ngăn chặn. Trong những ngày gần đây, ông đổi ý khi nêu lên những lo ngại về lệnh cấm nhưng gần như tất cả thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đều phớt lờ điều đó.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>