Quan hệ châu Âu - Trung Quốc đang “ấm” lên

10/04/2023 | 06:14 GMT+7

Quan hệ Trung Quốc - EU những năm gần đây đã xấu đi do Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc bị đình trệ và do xung đột tại Ukraine. Vì vậy, chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursala von der Leyen kỳ vọng để châu Âu xem xét lại việc cân bằng kinh tế với Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU có những tín hiệu mới. Ảnh: POLITICO.EU

Ngày 6-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã lần lượt có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các cuộc họp ở Bắc Kinh tuần này là tình hình xung đột ở Ukraine. Báo chí quốc tế bày tỏ kỳ vọng một cách thận trọng đối với triển vọng các nhà lãnh đạo châu Âu có thể thuyết phục Trung Quốc thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine.

Hãng tin al Jazeera dẫn lời ông Matthieu Duchatel, Giám đốc phụ trách nghiên cứu quốc tế của Viện Montaigne, cho rằng chuyến đi của ông Macron dù không có khả năng tạo ra bước ngoặt nhưng chính sách ngoại giao mà ông thúc đẩy vẫn có thể tạo ra những thành quả cho an ninh châu Âu.

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz từ Quỹ Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris, Pháp, chỉ ra rằng một trong những điểm khả thi để hợp tác thúc đẩy tìm giải pháp cho tình hình Ukraine là vấn đề vũ khí hạt nhân. Cả Pháp và Trung Quốc đều phản đối việc chia sẻ công nghệ hạt nhân và điều đó có nghĩa là Pháp đang ở vị thế hợp lý để đề nghị Trung Quốc có phản ứng chính thức trước thông báo mới đây của Nga về ý định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus và cùng cố gắng ngăn chặn hoạt động này.

Tờ Thời báo New York nhắc tới cách dùng từ “giảm rủi ro” thay vì “tách rời” của bà Von der Leyen trong bài phát biểu mạnh mẽ mới đây về việc quản lý mối quan hệ với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo châu Âu cũng đề cập đến biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học là hai lĩnh vực mà EU và Trung Quốc có thể tìm thấy tiếng nói chung để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2019, sau khi Liên minh châu Âu (EU) theo đuổi chính sách coi Trung Quốc là đối tác trong các vấn đề toàn cầu lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, nhưng lại là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ cao.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, mối quan hệ này tiếp tục gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, một Trung Quốc hùng mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế luôn là chủ đề mà châu Âu không thể bỏ qua tại nhiều chương trình nghị sự nội khối quan trọng.

Ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu: “Tôi tin rằng quan hệ EU - Trung Quốc đang tốt đẹp, nhưng vẫn còn có thể tốt hơn nữa. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược, nhưng chúng ta vẫn cạnh tranh với nhau do những khác biệt về hệ thống chính trị. Dù vậy, cạnh tranh vẫn phải công bằng và ôn hòa. Hợp tác giữa EU và Trung Quốc đặc biệt quan trọng để duy trì ổn định và an ninh trên quy mô toàn cầu. Chúng ta cần cạnh tranh chứ không phải là đối đầu”.

Rõ ràng Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu tới Bắc Kinh lần này là để quản lý mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Về chiến lược lâu dài hơn, các chuyến đi đến Trung Quốc của nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu cũng nằm trong nhận thức của khối này, đó là muốn xây dựng một con đường vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc, chứ không đi theo hướng đối đầu toàn diện như Mỹ.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định các kết quả đạt được từ loạt chuyến thăm Bắc Kinh của giới chức châu Âu, nhưng có thể thấy rằng các động thái đang diễn ra phản ánh một sự dịch chuyển mới trong quan hệ EU - Trung Quốc.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>