Nhiều quốc gia tiêm mũi vắc-xin tăng cường

07/10/2021 | 07:01 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới đã “bật đèn xanh” cho phép tiêm vắc-xin mũi 3 (mũi tăng cường) đã làm cho nguy cơ thiếu hụt vắc-xin ở các nước nghèo càng thêm trầm trọng.

Các loại vắc-xin Covid-19 đang được sử dụng trên thế giới. Ảnh minh họa: Reuters

Mới đây, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã “bật đèn xanh” cho phép tiêm mũi vắc-xin thứ 3 trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn  còn những ý kiến trái chiều nhau trong vấn đề này.

Trong thông cáo phát đi, EMA khuyến cáo sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNTech để tiêm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi và đã tiêm mũi vắc-xin thứ 2 cách đây ít nhất 6 tháng. Cơ quan này cũng công bố một báo cáo nghiên cứu cho thấy việc tiêm mũi vắc-xin thứ 3 giúp tăng lượng kháng thể ở những người ở độ tuổi từ 18 đến 55.

Với những người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc đã từng hiến tạng thì hai liều vắc-xin có thể không đủ để tạo ra đủ kháng thể và nên chọn vắc-xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna để tiêm mũi tăng cường, sau khi tiêm mũi thứ 2 ít nhất 28 ngày. Báo cáo cũng cho biết, nguy cơ gặp phản ứng phụ liên quan đến các bệnh về tim sau khi tiêm mũi tăng cường là hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, EMA cũng cho rằng, việc lựa chọn có tiêm mũi tăng cường hay không vẫn do các cơ quan y tế của từng quốc gia quyết định, để phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đến nay, giới chức y tế châu Âu vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu để xác định được mức độ cần thiết của mũi vắc-xin tăng cường. Các nước châu Âu cũng có những chính sách khác nhau trong vấn đề này. Các quốc gia như Pháp, Italia, Đức và Ireland đều đã triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Ngược lại, Hà Lan dự kiến chỉ triển khai với những người suy giảm miễn dịch. Đan Mạch dự định tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và người trên 65 tuổi nếu Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt. Trong khi Thụy Sĩ cho biết sẽ chưa triển khai tiêm mũi bổ sung vì chưa thấy tác dụng bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian.

Theo bác sĩ Bruno Megarbane, Chủ nhiệm Khoa hồi sức tích cực bệnh viện Lariboisière, Pháp: “Nhiều tuần gần đây, đã có nhiều ca nhiễm dù đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Vậy nên, đến một thời điểm nhất định, việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường là điều cần thiết và tất nhiên, nên bắt đầu từ những người cao tuổi, sau đó có thể nhanh chóng mở rộng ra những người ở các độ tuổi còn lại”.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra khuyến nghị mới nhất liên quan đến liều tăng cường của vắc-xin Pfizer/BioNTech. Theo EUA, một liều tăng cường có thể được tiêm ít nhất sáu tháng sau khi một người đã hoàn thành đủ 2 liều chính. Theo khuyến nghị của CDC: Những người từ 65 tuổi trở lên hoặc những người từ 50-64 tuổi mắc các bệnh lý nền khiến họ có nhiều khả năng nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nặng, những người từ 18-64 tuổi có nguy cơ phơi nhiễm và lây truyền Covid-19 cao nên tiêm mũi tăng tường vắc-xin Pfizer/BioNTech.

Việc EU và một số quốc gia giàu đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi vắc-xin tăng cường cũng sẽ khuấy động những tranh cãi vốn đã tồn tại lâu nay về việc tích trữ vắc-xin ở các nước giàu, trong khi những nước nghèo hiện đang khan hiếm vắc-xin. Điều này tiếp tục dẫn đến sự phân biệt giàu nghèo trong công tác chống dịch toàn cầu làm cho việc đẩy lùi Covid-19 càng trở nên khó khăn hơn. Bởi lẽ, chỉ khi nào miễn dịch toàn cầu thì mới xóa sổ được dịch Covid-19. Nếu hiện còn một quốc gia, hay nhóm người chưa được miễn dịch thì việc đẩy lùi dịch Covid-19 vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

Theo số liệu thống kê của AFP, kể từ khi bùng phát vào tháng 12-2019 đến nay, đã có hơn 236 triệu người mắc và hơn 4,8 triệu người trên thế giới tử vong do Covid-19. Số ca tử vong hiện nay chủ yếu ở nhóm đối tượng chưa tiêm chủng vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, dù có nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến này sắp đi tới hồi kết.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>