Nhiều quốc gia đang lâm vào tình trạng thiếu đói

22/11/2023 | 08:14 GMT+7

Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới lâm vào cảnh thiếu đói.

Đông Phi đối diện với khủng hoảng lương thực, góp phần gây suy giảm đời sống kinh tế và an sinh. (Nguồn: WFP)

Mới đây, Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) cho biết, các cuộc xung đột khu vực, điều kiện kinh tế yếu kém, chi phí sinh hoạt cao tiếp tục là những yếu tố tác động đến an ninh lương thực và tình trạng dinh dưỡng trên khắp khu vực Đông Phi. Ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô, xung đột Ethiopia, Nam Sudan và Sudan tác động nghiêm trọng đến nhóm người dễ bị tổn thương như người di cư và tị nạn.

Tính đến tháng 9-2023, khoảng 62,6 triệu người bị mất an ninh lương thực. Trong đó, 4/9 quốc gia ở khu vực là Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Sudan là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Khoảng 18,2 triệu người Đông Phi phải di cư trong nước hoặc ra nước ngoài, gồm 5 triệu người tị nạn và xin tị nạn, 13,2 triệu người di cư trong nước. Tính riêng ở Sudan, kể từ khi xung đột bắt đầu, hơn 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tìm kế mưu sinh trong nước và hơn 1 triệu người khác di cư qua biên giới.

Ngoài ra, chi phí sản xuất và vận chuyển cao, cũng như biến động thương mại quốc tế, tiếp tục gây sức ép lên chi phí hàng hóa thực phẩm tại thị trường địa phương. Dự báo, mức độ mất an ninh lương thực ở Đông Phi vẫn có thể ở mức cao cho đến đầu năm 2024.

Hiện tượng thời tiết El Nino cường độ mạnh và lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD) dự kiến dẫn đến lượng mưa cao bất thường từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024 trên khắp vùng xích đạo và miền Nam Đông Phi, chủ yếu ở miền Nam Ethiopia, Somalia và Kenya.

Trong khi đó, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tỷ lệ đói ăn tại Mỹ Latinh, khu vực có tổng cộng 650 triệu dân, đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn 0,9% so với năm 2019, giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Khoảng 6,5% dân số tại khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe đang sống trong tình trạng thiếu ăn, tương đương với khoảng 43,2 triệu đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các loại thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu hằng ngày. Điều này đồng nghĩa với việc đã có khoảng 6 triệu người bị thêm vào danh sách thiếu ăn so với cách đây 5 năm. 

Khu vực Mesoamerica (gồm Mexico và các nước Trung Mỹ) có khoảng 9,1 triệu người đang bị thiếu ăn, chiếm 5,1% dân số; các đảo quốc thuộc khu vực Caribe có 7,2 triệu người, tăng 700.000 người so với năm ngoái. Haiti là quốc gia có nhiều người bị thiếu ăn nhất.

 Ông Mario Lubetkin, Phó Tổng Giám đốc FAO phụ trách Mỹ Latinh và Caribe, cho biết tình trạng thiếu ăn tại khu vực tiếp tục ở mức đáng báo động, trong khi các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ sở tại chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình, khiến mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030 ngày càng xa vời.

Lý giải về thực trạng này, ông Lubetkin cho rằng trong thời gian qua, đa số các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa thể thoát khỏi những vấn đề mang tính trầm kha như sự bất bình đẳng thu nhập, nạn tham nhũng và năng lực quản trị kinh tế yếu kém. Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng hứng chịu những tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp.

Một nguyên nhân quan trọng khác là chiến tranh triền miên ở nhiều quốc gia cộng với hai cuộc chiến lớn Nga - Ukraine và Israel - Hamas đã đẩy hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, sống trong cảnh thiếu đói. Tổng Giám đốc IFAD Álvaro Lario cho biết, hiện có khoảng 3 tỉ người trên thế giới khó tiếp cận với các loại thực phẩm lành mạnh, kể cả nông dân là những người trực tiếp sản xuất ra lương thực, thực phẩm. Hệ lụy của vấn nạn này là thiếu đói đi cùng với dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng khó kiềm chế.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>