Nhiều nước phản đối Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine

10/07/2023 | 07:30 GMT+7

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD.

Bom đạn chùm có thể chứa hàng trăm bom con. Ảnh: CNN

Quyết định được Washington đưa ra bất chấp những lo ngại rằng loại vũ khí gây tranh cãi này có thể gây thương vong cho dân thường.

Các vũ khí này sẽ được lấy từ những kho dự trữ của Lầu Năm Góc. Mỹ cũng cung cấp cho Ukraine xe bọc thép Bradley và Stryker cùng một loạt đạn dược, như đạn dùng cho lựu pháo và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.

Hai thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ đã gọi quyết định của Chính phủ Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine là “sai lầm nghiêm trọng”.

Báo Washington Post dẫn lời hai thượng nghị sĩ trên nhấn mạnh: “Tuy nhiên, Tổng thống (Joe) Biden đã chấp thuận cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine. Đây là sai lầm nghiêm trọng”.

Hai thành viên của đảng Dân chủ cho rằng quyết định chuyển giao loại vũ khí này cũng sẽ hủy bỏ hàng thập kỷ chính sách của Washington và có thể dẫn đến nhiều bi kịch hơn.

Đồng quan điểm với hai Thượng nghị sĩ Mỹ, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington về việc cung cấp bom, đạn chùm cho Kiev.

Theo các chuyên gia, động thái như vậy nhiều khả năng sẽ làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha thì nhấn mạnh, quyết định chuyển bom chùm cho Ukraine là của Chính phủ Mỹ, chứ không phải của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà trong đó Tây Ban Nha là một thành viên.

Việc Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine khiến nhiều quốc gia lo ngại, trong đó có cả các đồng minh của Washington.

Canada và Vương quốc Anh bày tỏ lo ngại về quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp bom chùm cho Ukraine. Cả hai nước đã tái khẳng định cam kết với thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc về cấm loại vũ khí này và lên tiếng phản đối việc sử dụng chúng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Ngày 7-7, Đức tái khẳng định cam kết với Công ước của Liên Hiệp Quốc về cấm bom chùm. Áo cũng cảnh báo rằng phương Tây sẽ gửi tín hiệu sai bằng cách đưa loại vũ khí này đến khu vực xung đột, trong khi Tây Ban Nha nói rằng Ukraine không nên sử dụng loại vũ khí này “trong bất kỳ trường hợp nào”.

Matxcơva chỉ trích quyết định của Washington là một hành động “tuyệt vọng” và sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra ở Ukraine, nhưng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho những người không tham chiến.

Bom đạn chùm bị 123 nước cấm theo Công ước năm 2008 về Bom đạn chùm, có sự tham gia của hầu hết các nước NATO. Riêng Mỹ, Ukraine và Nga nằm trong số các nước không cấm hoàn toàn việc sử dụng loại vũ khí này.

Thuật ngữ “bom chùm” dùng để chỉ bất cứ loại đạn bom nào bung ra ở trên không và giải phóng một số loại thiết bị nổ nhỏ hơn, gọi là “bom con”, văng ra trên một diện tích rộng hơn. Bom đạn chùm có thể được thiết kế để phóng đi từ nòng pháo, bệ phóng rocket hoặc thả từ máy bay.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án việc sử dụng bom chùm. Nguyên nhân là do có tới 40% số bom con sau khi được bom mẹ giải phóng không phát nổ ngay. Bom con rơi xuống đất, trở thành mìn mặt đất (địa lôi), có khả năng cướp đi sinh mạng của người dân trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tiếp theo.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>