Mỹ gặp khó trong ngăn chặn xung đột ở Gaza

12/01/2024 | 09:51 GMT+7

Lo ngại xung đột sẽ leo thang lan rộng khắp Trung Đông, Mỹ muốn ngăn chặn nhưng gặp nhiều bất cập.

Lính Israel và chiến binh Hamas. Ảnh: RT

Trăn trở vấn đề Gaza, Ngoại trưởng Mỹ Blinken vừa có chuyến thăm Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến công du trong 1 tuần đến một loạt quốc gia và lãnh thổ ở Trung Đông gồm Qatar, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bờ Tây và Ai Cập. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ nhằm kêu gọi các quốc gia sử dụng quan hệ và ảnh hưởng của mình để hoạch định tương lai cho Gaza hậu xung đột, cũng như gây tác động kiểm soát những điểm nóng khác.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Đây là một cuộc xung đột có thể dễ dàng lây lan, gây ra nhiều bất ổn hơn và thậm chí nhiều đau khổ hơn. Dân thường Palestine phải được trở về nhà ngay khi điều kiện cho phép. Họ không thể và không nên bị ép buộc phải rời khỏi Gaza. Chúng tôi bác bỏ tuyên bố của một số bộ trưởng và nhà lập pháp Israel kêu gọi tái định cư người Palestine bên ngoài Gaza. Những tuyên bố đó là vô trách nhiệm, mang tính kích động và chúng chỉ gây khó khăn hơn cho việc đảm bảo một Gaza do người Palestine lãnh đạo trong tương lai”. Ngăn chặn xung đột lan rộng, bảo vệ dân thường là trọng tâm chính của chuyến thăm thứ 4 của ông Blinken tới Trung Đông.

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đảm bảo với các nhà lãnh đạo Arab rằng, Mỹ phản đối việc cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza hoặc Bờ Tây. Các nước Arab mà Ngoại trưởng Mỹ đến thăm đều kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, cho rằng những hình ảnh liên tục về cái chết và sự tàn phá ở Gaza đang khiến mọi người trở nên “vô cảm” hơn trước nỗi kinh hoàng của những gì đang xảy ra.

Đồng quan điểm, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell và Ngoại trưởng Pháp cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ leo thang khu vực ở Trung Đông và cảnh báo Israel rằng “sẽ không ai thắng được trong một cuộc xung đột khu vực”.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh những diễn biến bạo lực gần đây ở Lebanon, miền Bắc Israel, trên Biển Đỏ và việc Iraq khởi động quá trình trục xuất lực lượng liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang là những nhân tố có thể châm ngòi cho một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông.

Đặc biệt giới chuyên gia cảnh báo về khả năng bùng phát bạo lực “trên các mặt trận khác, đặc biệt là tại Bờ Tây” và biên giới Israel- Lebanon. Thêm vào đó, giới chức quốc phòng và cựu quan chức tình báo Israel dự đoán giao tranh ở Gaza sẽ tiếp tục trong ít nhất một năm, làm tăng thương vong và tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định trong khu vực.

Liên quan xung đột giữa Israel và Hamas, tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) Dennis Francis tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tham chiến ở Gaza “thực hiện đầy đủ” các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, đặc biệt là nghị quyết hôm 12-12-2023 yêu cầu “ngừng bắn nhân đạo, thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin”.

Xung đột tại Trung Đông đang leo thang và có khả năng vượt tầm kiểm soát khi ngoài các cuộc tấn công của Israel tại Dải Gaza thì bạo lực cũng gia tăng giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thương mại trên Biển Đỏ, những cuộc tấn công của các nhóm vũ trang vào căn cứ của Mỹ ở Iraq... tất cả những diễn biến này đang khiến Trung Đông trở thành “chảo lửa”.

Vấn đề quan ngại khác chính là xung đột Israel và Hamas có thể lôi kéo cả Iran vào cuộc. Nếu tình huống này xảy ra thì nguy cơ một cuộc chiến hạt nhân giữa Israel và Iran khó có thể tránh khỏi.

Cơ quan y tế tại Gaza công bố số liệu cập nhật cho thấy đã có hơn 23.000 người Palestine đã thiệt mạng và khoảng 60.000 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza kể từ ngày 7-10 năm ngoái. Trong khi hệ thống y tế ở Nam Gaza đang sụp đổ nhanh chóng nên nguy cơ thảm họa nhân đạo nghiêm trọng tại khu vực này là điều không thể tránh khỏi.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>