Lời giải cho vấn nạn đảo chính ở châu Phi ?

08/09/2023 | 07:24 GMT+7

Tranh giành quyền lực đã đẩy nhiều quốc gia châu Phi lâm vào cảnh chính biến khiến cuộc sống người dân càng khó khăn hơn.

Biểu tình phản đối quân đội Pháp hiện diện tại Niger, ngày 3-9-2023. Ảnh: AFP

Mới đây nhất, vào ngày 30-8, một số sĩ quan quân đội cấp cao Gabon tuyên bố đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, đồng thời giải tán Chính phủ, Thượng viện, Hạ viện và Tòa án Hiến pháp. Động thái này diễn ra sau khi cơ quan bầu cử nhà nước thông báo Tổng thống Ali Bongo Ondimba, 64 tuổi, đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Tiếp đó ngày 4-9, Tướng Brice Oligui Nguema đã tuyên thệ nhậm chức “Tổng thống chuyển tiếp” ở Gabon. Đồng thời tuyên bố ông sẽ khôi phục chính quyền dân sự thông qua “các cuộc bầu cử tự do, minh bạch và đáng tin cậy” sau quá trình chuyển tiếp, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Ông Oligui cũng cho biết ông sẽ nỗ lực soạn thảo Hiến pháp mới và sẽ đưa ra trưng cầu dân ý.

Động thái này đã khiến nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lên án. Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) đã quyết định “đình chỉ ngay lập tức” tư cách thành viên của Gabon.

Đồng quan điểm trên, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell bày tỏ quan ngại đối với tình trạng bất ổn từ cuộc đảo chính trên, đồng thời cho biết khối này hiện chưa có kế hoạch sơ tán công dân khỏi Gabon. Ông Borrell nêu rõ các nhà ngoại giao châu Âu đang làm việc để tìm hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Gabon và không có kế hoạch sơ tán như từng tiến hành tại Niger.

Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, một nhóm sĩ quan thuộc lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc, đứng đầu là Tướng Abdurahmane Tchiani, để điều hành đất nước.

Các cuộc đảo chính gần đây có thể coi là một phần của xu hướng khu vực rộng lớn ở Sahel và Tây Phi với làn sóng lật đổ chính quyền, đẩy châu Phi vào bất ổn.

Theo các chuyên gia, để hiểu lý do dẫn đến tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng này, cần có cái nhìn rộng hơn về các chủ thể đang đối đầu với nhau trên Lục địa Đen này.

Theo số liệu của trang revueconflits.com, có tới 41 quốc gia châu Phi đã trải qua ít nhất một vụ chính biến lật đổ chính quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Trên bình diện thế giới, khoảng 7 trong số 10 cuộc đảo chính đã diễn ra ở châu Phi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng “đại dịch đảo chính” đang diễn ra tại châu Phi. Đây là một nhận xét xác đáng và thẳng thắn hiếm thấy ở một nguyên thủ quốc gia. Bởi lẽ, trên thực tế, đã có 7/8 cuộc đảo chính ở châu Phi kể từ năm 2020 và tất cả đều diễn ra ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp, ngoại trừ Sudan.

Giới lãnh đạo các cuộc đảo chính gần đây ở Guinea, Mali, Burkina Faso, Sudan và Zimbabwe thường viện dẫn những lý do như tham nhũng, quản lý yếu kém và nghèo đói để biện minh cho hành động lật đổ chính quyền. Trên thực tế, châu Phi đang đối mặt với khá nhiều thách thức. Tỷ lệ nghèo đói đang tăng cao khi các nền kinh tế mong manh của châu Phi bị đại dịch Covid-19 vùi dập, kéo theo tình trạng bất bình đẳng ngày càng rõ rệt.

Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên Hiệp Quốc (ECA), hiện có tới 546 triệu người châu Phi đang sống trong nghèo đói, tăng 74% kể từ năm 1990 và 10 quốc gia thuộc châu lục này phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ đáng báo động.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về khu vực cho rằng, có 4 yếu tố tác động dẫn đến đảo chính là: xung đột triền miên, chia rẽ về vấn đề kinh tế, an ninh và sắc tộc. Hay nói một cách khác, tranh giành quyền lực đã dẫn đến chính biến của nhiều quốc gia châu Phi. Đây được xem là nguyên nhân chính là những mồi lửa bất ổn châm ngòi cho hàng loạt vụ chính biến khác trong khu vực. Do vậy, để giải bài toán khó này, các quốc gia châu Phi cần giải quyết căn cơ những vấn đề nghèo đói và tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>