Làn sóng biểu tình tại Pháp có dấu hiệu hạ nhiệt ?

13/04/2023 | 09:54 GMT+7

Mặc dù các nghiệp đoàn ở Pháp kêu gọi tiếp tục đình công sau khi đàm phán thất bại nhưng số người xuống đường đã giảm dần.

Người dân tham gia cuộc biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí tại Paris, Pháp, ngày 30-3-2023. Ảnh: AFP    

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, số người đã xuống đường trong làn sóng biểu tình mới nhất phản đối cải cách chế độ hưu trí, đã giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, con số được công bố chính thức thấp hơn so với con số mà các nhà tổ chức biểu tình đưa ra. Ví dụ như Nghiệp đoàn CGT cho biết 400.000 người đã biểu tình tại Paris trong khi bộ trên thống kê chỉ 93.000 người.

Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp nước Pháp, từ thủ đô Paris đến các thành phố miền Nam Montpellier và Marseille. Đáng chú ý, tại Paris, những người biểu tình quá khích đã phóng hỏa La Rotonde - một trong những nhà hàng Tổng thống Emmanuel Macron hay lui tới, và xâm nhập một tòa nhà văn phòng và tấn công cảnh sát.

Sở cảnh sát Paris cho biết một số sĩ quan bị thương, song không nêu con số cụ thể. Tại thành phố miền Tây Nantes và thành phố miền Đông Nancy, những người biểu tình cũng ném đá vào cảnh sát và phóng hỏa một chi nhánh của ngân hàng trung ương Pháp.

Cùng thời gian này, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết cảnh sát đã bắt giữ 111 người trên cả nước và 154 cảnh sát đã bị thương, trong đó có một số người bị thương nặng.

Bãi công và biểu tình tiếp tục diễn ra sau khi cuộc đàm phán giữa đại diện cho 8 nghiệp đoàn chính tại Pháp với Thủ tướng Elisabeth Borne trong ngày 5-4, vốn được cho là nỗ lực cuối cùng để giải quyết những mâu thuẫn về cải cách chế độ hưu trí, đã thất bại. Các nghiệp đoàn đề nghị rút lại dự luật trong khi Thủ tướng Borne khẳng định duy trì dự luật.

Đầu năm nay, Thủ tướng Borne đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo đó tuổi nghỉ hưu nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu.

Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Kể từ đó đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và đình công thu hút nhiều người tham gia.

Hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình nhưng tình hình trở nên căng thẳng hơn khi chính phủ vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật tại Hạ viện mà không cần các nghị sĩ bỏ phiếu hồi trung tuần tháng trước.

Theo kế hoạch, Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về cải cách chế độ hưu trí vào ngày 14-4 tới, “cửa ải” sau chót trước khi kế hoạch cải cách này được ký thành luật.

Trong một động thái liên quan, mới đây chính trị gia Aurelien Pradie, 37 tuổi đã gây bão chính trường Pháp khi dẫn dắt nỗ lực tại Quốc hội phản đối cải cách tăng tuổi hưu của Tổng thống Macron.

Chỉ trong vài tuần, nghị sĩ Aurelien Pradie đã nổi lên như một trong những ngôi sao vụt sáng trên chính trường Pháp, một phần nhờ vào tuổi trẻ, ngoại hình điển trai và kỹ năng hùng biện, nhưng chủ yếu là sau nỗ lực của ông nhằm ngăn cản luật cải cách hưu trí do ông Macron đề xuất.

Pradie là thành viên đảng Những người Cộng hòa, đảng đã giành được nhiều nhượng bộ từ chính phủ Pháp để họ ủng hộ thông qua dự luật cải cách hưu trí tại quốc hội. Nhưng Pradie tháng trước gây chú ý khi từ chối ủng hộ nỗ lực này của đảng Những người Cộng hòa. Sau đó, nhiều nghị sĩ trong đảng Những người Cộng hòa sau đó làm theo Pradie, phản đối luật cải cách hưu trí, khiến chính phủ của Tổng thống Macron không nhận được sự ủng hộ của đa số quốc hội.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh luật cải cách lương hưu sẽ là động lực để người biểu tình tiếp tục hành trình phản đối chính quyền Pháp. Điều này đồng nghĩa với làn sóng biểu tình khó có thể dập tắt khi quyền lợi chưa hài hòa.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>