Kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO: “Thêm dầu vào lửa”

18/05/2022 | 07:43 GMT+7

Việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO đã dấy lên quan ngại “thêm dầu vào lửa” cho cuộc chiến ở Ukraine và bất đồng Nga - NATO.

Cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước NATO ở Berlin (Đức) cuối tuần rồi. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Thụy Điển mới đây thông báo, nước này sẽ cùng Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giữa bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Đây là một sự dịch chuyển mang tính lịch sử sau hơn 200 năm quốc gia Bắc Âu này thực hiện chính sách không liên minh quân sự.

Động thái trên diễn ra sau khi nước láng giềng Phần Lan thông báo ngày 15-5 rằng nước này cũng sẽ gia nhập NATO. Thủ tướng Magdalena Andersson đã gọi đó là “sự thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của đất nước chúng ta” khi phát biểu trước các nghị sĩ ở thủ đô Stockholm.

Việc xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan cho thấy mối quan ngại của các quốc gia khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn còn kéo dài và có nguy cơ lan rộng sang những quốc gia lân cận. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng về an ninh quốc gia của các nước Bắc Âu này. Do vậy, họ mong muốn có một liên minh quân sự với NATO để đối phó với tình huống đang diễn biến xấu hiện nay.

Về phía NATO, Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoana đã bày tỏ tự tin rằng liên minh này có thể sớm đạt được đồng thuận về việc nhanh chóng kết nạp Phần Lan và Thụy Điển làm thành viên chính thức của tổ chức này.

Theo đó, ngoại trưởng 30 quốc gia thành viên NATO đã tổ chức các buổi họp tại thủ đô Berlin (Đức), trong đó tập trung vào việc xem xét tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển. Hai nước này dự kiến sẽ chính thức đệ đơn gia nhập NATO trong vòng vài ngày tới.

  1. nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14-5 đã bất ngờ phản đối việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, với cáo buộc hai nước đang chứa chấp các phần tử người Kurd bị Ankara xem là “khủng bố”. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ “không có quan điểm tích cực”, trong khi Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố việc đưa 2 quốc gia vùng Scandinavia này vào NATO là “thái quá và không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana vẫn bày tỏ tin tưởng rằng các mối quan ngại của Ankara có thể được giải quyết. Ông Geoana cho rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của NATO, và mối quan ngại mà họ bày tỏ đang được các đồng minh và quốc gia thân thiện giải quyết”. Ông Geoana cũng khẳng định: “Tôi tự tin rằng, nếu các nước này (Phần Lan và Thụy Điển) quyết định gia nhập NATO, chúng tôi sẽ có thể chào đón họ, và tạo mọi điều kiện để đạt được sự đồng thuận”.

Nhiều nước thành viên NATO tại buổi họp ở Berlin cũng ủng hộ kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng phê chuẩn hồ sơ gia nhập liên minh của hai nước.

Phản ứng trước động thái trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Matxcơva “không có vấn đề gì” với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO nhưng “sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự sang những vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ đối mặt với phản ứng của chúng tôi”.

Trước đó, Nga cho rằng: “Động thái nước láng giềng Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn sẽ là mối đe dọa với Nga. Sự mở rộng của NATO và cách tiếp cận của khối này đối với đường biên giới Nga không làm thế giới và châu Âu ổn định hay an toàn hơn”.

Giới quan sát cho rằng, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO ví như “thêm dầu vào lửa” cho cuộc chiến Nga -Ukraine. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của Nga tại cuộc chiến này là ngăn chặn Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và xích lại gần với NATO dẫn đến nguy cơ mở rộng biên giới NATO đe dọa an ninh quốc gia Nga. Từ đó, Matxcơva chắc chắn sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn sự gia nhập này.

Mặc dù phải trải qua 5 bước để được gia nhập NATO nhưng theo Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời một số quan chức NATO cho biết quá trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển có thể được hoàn tất “trong vài tuần”. Nhưng quá trình này cũng có thể mất nhiều thời gian hơn thế, tùy thuộc vào đồng thuận của tất cả các nước thành viên NATO.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>