Iraq mở rộng lệnh giới nghiêm toàn quốc

30/08/2022 | 18:13 GMT+7

Biểu tình dẫn đến đụng độ làm nhiều người thương vong đã khiến Iraq mở rộng lệnh giới nghiêm toàn quốc.

Một cuộc biểu tình ở Iraq.  Ảnh: New York Times

Mới đây, các nguồn tin y tế ở Iraq cho biết ít nhất 12 người đã thiệt mạng và 19 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh ở vùng Xanh (nơi đặt nhiều cơ quan chính phủ và ngoại giao) ở thủ đô Baghdad, Iraq.

Những người biểu tình đã tiến về Cung điện Cộng hòa ngay sau khi ông al-Sadr tuyên bố rút hoàn toàn khỏi chính trường. Sau khi kéo đổ hàng rào bằng xi măng bên ngoài cung điện, người biểu tình tiến vào bên trong và hô vang các khẩu ủng hộ giáo sĩ al-Sadr. Việc người biểu tình xông vào vùng Xanh đã buộc Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi phải ngừng phiên họp nội các cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Sau biểu tình bạo động ở Cung điện Cộng hòa, tình hình căng thẳng đã lan rộng sang nhiều vùng khác trên toàn Iraq. Tổng thống Iraq Barham Salih đã lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh, kiềm chế và ngăn chặn tình hình leo thang.

Lực lượng an ninh ở cung điện không thể kiểm soát đám đông biểu tình. Quân tiếp viện nhanh chóng được triệu tập và cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi rồng để đẩy lùi đám đông.

Trước tình hình bất ổn trên, Quân đội Iraq ban bố lệnh giới nghiêm kể từ 15 giờ 30 phút chiều 29-8 giờ địa phương, đồng thời kêu gọi những người biểu tình nhanh chóng rời khỏi vùng Xanh để đảm bảo an ninh trật tự.

Ban đầu, lệnh giới nghiêm chỉ được ban bố tại thủ đô Baghdad sau đó nhanh chóng được mở rộng ra phạm vi toàn quốc giữa lúc leo thang biểu tình kéo theo đụng độ sau khi giáo sĩ Moqtada Al-Sadr (giáo sĩ Hồi giáo dòng Shite ở Iraq, người có hàng triệu tín đồ trung thành), tuyên bố rời khỏi chính trường để phản ứng với tình hình chính trị bế tắc hiện nay.

Iraq đã sa lầy vào bế tắc chính trị kể từ cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 10-2021, do bất đồng về việc thành lập liên minh giữa những người theo ông Muqtada al-Sadr và các đối thủ chính trị liên kết với Iran. Khối của ông Al-Sadr nổi lên từ cuộc bầu cử năm ngoái với tư cách là khối lớn nhất, giành 73/329 ghế, nhưng thiếu 2/3 số ghế tại Quốc hội theo Hiến pháp nước này và không thể thành lập được chính phủ dẫn đến khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Iraq trong những năm gần đây.

“Giọt nước tràn ly” khi ông Al-Sadr tuyên bố ngừng hoạt động chính trị và đóng cửa tất cả các tổ chức của phong trào. Những người ủng hộ ông Sadr đã kêu gọi giải tán Quốc hội và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Thông báo của ông Al-Sadr được đưa ra cùng với quyết định của Tòa án Liên bang về việc xem xét giải tán Quốc hội, trong những ngày tới.

Trước đó, Thủ tướng tạm quyền Iraq, ông Mustafa al-Kadhimi đã mời các đảng phái chính trị đối lập tham gia cuộc họp để tìm kiếm giải pháp cho bế tắc chính trị hiện nay thông qua đối thoại. Ông al-Kadhimi nhấn mạnh Iraq đang “trải qua những thách thức và bế tắc chính trị, cùng với những tác động của chúng đối với hoạt động của Chính phủ”. Do vậy, cuộc đối thoại quốc gia này nhằm tìm ra giải pháp để tháo gỡ khủng hoảng chính trị tại Iraq để sớm thành lập chính phủ ổn định điều hành đất nước. Tuy nhiên, cuộc họp này không thu được bất cứ kết quả nào như dự định.

Những diễn biến phức tạp trên đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan. Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Iraq (UNAMI) cho rằng, các cuộc biểu tình diễn ra với quy mô lớn hiện nay ở Iraq là sự leo thang cực kỳ nguy hiểm, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không để xảy ra xung đột. Mỹ cũng kêu gọi bình tĩnh và cảnh báo lo ngại về tình hình bất ổn ở Baghdad.

Tình hình bất ổn chính trị tại Iraq sẽ còn tiếp diễn và ngày càng phức tạp hơn nếu như các phe đối lập vẫn chưa có tiếng nói chung.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>