Châu Á - Thái Bình Dương thành tâm dịch Covid-19

29/08/2022 | 08:01 GMT+7

Theo báo cáo dịch tễ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuần qua toàn cầu có hơn 5,3 triệu ca Covid-19 mới và 14.310 ca tử vong. Như vậy, số ca mắc mới giảm 9%, số ca tử vong giảm 15% so với tuần trước.

Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang khi ở ngoài trời. Ảnh: TTXVN

5/6 khu vực của WHO có số ca mới giảm từ 13-25% so với tuần trước, riêng Tây Thái Bình Dương - là khu vực có Việt Nam - tăng 2%. Tuy chỉ tăng nhẹ nhưng cộng dồn với đà tăng sẵn có nhiều tuần nay, khu vực này vẫn có số ca mới chiếm tới 53% số ca toàn cầu (gần 2,8 triệu ca), ca tử vong tăng 8% (3.424 ca).

Riêng Trung Quốc, tình hình Covid-19 còn phức tạp ngay giữa giai đoạn một nửa đất nước chìm trong nắng hạn. Đài CNN mô tả TP.Trùng Khánh “quay cuồng” trong nỗ lực xét nghiệm 10 triệu dân ở các quận trung tâm, làm người dân phải xếp hàng dài trong cái nóng trên 40 độ C. Những người không xét nghiệm sẽ không được dự các sự kiện đông người, hội họp hoặc tham gia hoạt động kinh doanh, thậm chí không thể đến nơi công cộng đông người.

Để bảo đảm người dân thực hiện nghĩa vụ xét nghiệm, chính quyền chuyển tất cả mã y tế trên phần mềm điện thoại của họ sang màu cam. Mã chỉ chuyển xanh sau khi họ hoàn thành xét nghiệm. Thành phố này báo cáo 40 ca Covid-19 mới vào hôm 24-8, khiến hơn 3.800 điểm xét nghiệm lưu động được thiết lập.

Trên mạng xã hội, người dân Trùng Khánh phàn nàn về tình trạng khói lan vào tận nhà họ. Từ ngày 18-8, cháy rừng xảy ra ở nhiều huyện xung quanh Trùng Khánh. Để đối phó với cả dịch bệnh và nhu cầu nới lỏng các hạn chế kiểm dịch nhằm khôi phục kinh tế, hầu hết quốc gia Tây Thái Bình Dương lựa chọn biện pháp đẩy mạnh tiêm chủng tăng cường. Hàn Quốc, một trong những nước triển khai mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) sớm nhất cho người trên 60 tuổi và người có bệnh nền/suy giảm miễn dịch hồi cuối tháng 4, đã mở rộng đối tượng được tiêm mũi này cho những người trên 50 tuổi kể từ cuối tháng 7.

Hàn Quốc và Trung Quốc cũng bị WHO “điểm danh” vì số ca mắc mới cao (lần lượt là 884.373 ca và 172.424 ca); Australia và Philippines có số tử vong cao thứ 2 và 3 khu vực (490 ca và 441 ca), trong đó số ca tử vong của Philippines đã tăng vọt tới 305% so với tuần lễ trước.

Nhật Bản và Philippines đều triển khai tiêm mũi tăng cường vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, chiến dịch vẫn chưa như mong đợi ở một số nơi. Theo báo chí Philippines, thống kê cuối tháng 7 cho thấy 71,4 triệu người ở nước này đã tiêm 2 mũi cơ bản nhưng chỉ 15,7 triệu người đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất và chỉ 1,1 triệu người là đối tượng nguy cơ cao/nhân viên y tế được tiêm mũi tăng cường thứ 2.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, 1 triệu người đã tử vong vì Covid-19. Dù con số trên chỉ bằng chưa đến 1/6 so với gần 6,45 triệu người chết được báo cáo lên WHO kể từ đầu đại dịch, điều này vẫn rất đáng chú ý vì hiện con người đã có đủ các biện pháp để giảm nguy cơ tử vong sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Các chuyên gia từng dự báo rằng đầu năm 2022, các nước sẽ sớm kết thúc tình trạng khẩn cấp và chuyển sang xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, theo Reuters. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron và các dòng phụ của nó đã khiến thế giới phải thất vọng. Hiện biến thể Omicron vẫn chiếm 99% các mẫu được giải trình tự gien trên toàn cầu trong 30 ngày qua. Trong đó, 74% ca bệnh do dòng phụ BA.5 của Omicron gây ra.

Sự lây lan nhanh chóng của BA.5 khiến nhiều quốc gia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm mới trong mùa Đông sắp tới. Đài DW đưa tin nội các Đức ngày 24-8 đã thông qua một loạt các hạn chế mới để chống dịch vào mùa Thu, mùa Đông. The Strait Times cũng dẫn lời Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 24-8 kêu gọi người dân chuẩn bị đối mặt với đợt lây nhiễm vào cuối năm.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>