Biến đổi khí hậu - Nỗi lo còn đó

15/11/2023 | 08:34 GMT+7

Biến đổi khí hậu theo chiều hướng khắc nghiệt đã và đang diễn ra trên toàn cầu khiến cuộc sống của hàng chục triệu người bị ảnh hưởng.

Ảnh: NOAA

Các nhà khoa học châu Âu đã dự báo năm 2023 sẽ là năm nóng nhất trong 125 ngàn năm qua. Dự báo trên được đưa ra sau khi dữ liệu cho thấy tháng 10 năm nay đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cùng kỳ ghi nhận vào năm 2019.

Mức nhiệt kỷ lục năm 2023 là kết quả của hiệu ứng nhà kính gây ra từ các hoạt động của con người, kết hợp với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, làm ấm vùng nước bề mặt ở phía Đông Thái Bình Dương.

Tổ chức Khí tượng thế giới nhận định, 90% khả năng hiện tượng thời tiết El Nino đang diễn ra hiện nay sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 4-2024. Theo tổ chức này, thế giới sẽ chứng kiến cường độ đỉnh điểm của hiện tượng El Nino trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 1-2024.

Nhận định này phù hợp với đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí hậu của Mỹ, cho rằng hơn 95% nguy cơ hình thái thời tiết El Nino sẽ tiếp diễn vào mùa đông của bán cầu Bắc từ tháng 1 đến 3-2024, theo đó sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Tổ chức Khí tượng thế giới dự báo, cảnh báo năm sau sẽ là năm có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của năm 2023. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng, mưa lớn và lũ lụt dự báo sẽ diễn ra với quy mô ngày càng mạnh mẽ, kèm theo những tác động đáng kể.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng: “Nhân loại đã mở ra cánh cổng địa ngục. Nắng nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả khủng khiếp, người nông dân đau khổ nhìn mùa màng bị lũ cuốn trôi. Nhiệt độ oi bức sinh bệnh và hàng ngàn người chạy trốn trong sợ hãi khi những trận hỏa hoạn lịch sử hoành hành”.

 “Thế giới cần hành động để ngăn biến đổi khí hậu” là lời kêu gọi của ông Guterres được đưa ra từ khu vực núi Everest, Nepal, nơi đang chứng kiến các dòng sông băng tan chảy nhanh chóng dưới tác động của biến đổi khí hậu. Hệ lụy của hiện tượng trên đã làm Nepal đã mất gần 1/3 lượng băng chỉ sau hơn ba thập kỷ. Ông Guterres kêu gọi hành động ngay lập tức, chấm dứt thời đại nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ người dân và tránh tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất.

Biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, cuộc sống của con người và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo thế giới cần hành động khi chưa quá muộn.

LHQ cũng kêu gọi xây dựng 1 Hiệp ước Đoàn kết Khí hậu, nhấn mạnh công bằng khí hậu, kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi để họ có thể vượt qua khủng hoảng. Trong đó các nước phát triển cần đáp ứng cam kết 100 tỉ USD bổ sung cho Quỹ Khí hậu xanh và tăng gấp đôi kinh phí thích ứng. Việc tạo ra hệ thống cảnh báo sớm cho mọi người vào năm 2027 cũng là điều bắt buộc.

Theo Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường của Đại học Pennsylvania (Mỹ), ông Michael E. Mann, hiện khí hậu chưa rơi vào giai đoạn mất kiểm soát, nhưng đang ngày càng xấu đi và tình hình rất nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn mà các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tăng đến mức không thể kiểm soát và cũng chưa có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đã vượt qua “ngưỡng không thể quay lại”, nhưng điều này có nguy cơ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nung nóng hành tinh.

Do đó, ông Michael E. Mann cho rằng thế giới vẫn còn thời gian để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất xảy ra nếu hành động ngay từ bây giờ, điều quan trọng hiện nay là tốc độ giảm phát thải. Đó là lý do Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đề cập việc giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, để có thể hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,50C.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>