F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ ốm đau như thế nào ?

04/03/2022 | 09:47 GMT+7

Từ ngày 1-1-2022, Hậu Giang đã điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà, vậy người lao động nhiễm Covid-19 cần làm gì để được hưởng chế độ ốm đau dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc? Trước vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (ảnh), Giám đốc BHXH tỉnh xoay quanh vấn đề này.

Xin bà cho biết trường hợp người lao động đang tham gia BHXH là F0 phải nghỉ việc điều trị tại nhà có được hưởng chế độ BHXH hay không ?

- Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động tham gia BHXH được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng các điều kiện: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc; có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, nếu không may bị F0, người lao động đang đóng BHXH điều trị tại nhà sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Người lao động tham gia BHXH, khi điều trị Covid-19 tại nhà muốn hưởng chế độ ốm đau thì làm thủ tục như thế nào và số tiền trợ cấp được tính ra sao, thưa bà ?

- Theo khoản 1 Điều 100 Luật BHXH năm 2014 hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Ngày 29-12-2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế trong đó có nội dung quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Theo khoản 2, Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh “Cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH theo quy định tại Thông tư này”. Ngày 6-1-2022, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã có Công văn số 48/SYT-NVY về việc cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động là F0, giao trách nhiệm cơ sở khám, chữa bệnh phải cung cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động.

Như vậy, để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi Covid-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Mức hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm. Người lao động có thể nhận tiền qua một trong các hình thức như thông qua tài khoản cá nhân hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động.

Về thời gian hưởng, tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để cơ sở y tế xem xét quyết định.

Ngoài hưởng chế độ ốm đau, người lao động đang tham gia BHXH là F0 điều trị tại nhà còn được hưởng chế độ BHXH nào nữa, thưa bà ?

- Căn cứ Điều 29 của Luật BHXH năm 2014, sau khi điều trị các bệnh khác hoặc Covid-19, nếu người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác. Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở (447.000 đồng/ngày).

Theo Điều 26 Luật BHXH năm 2014, thời gian được hưởng chế độ ốm đau như sau: Lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng theo các mốc: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 30 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 năm được hưởng 60 ngày.

Lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc,… được hưởng: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 50 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 năm được hưởng 70 ngày.

 

Xin cảm ơn bà !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>