Thiếu thuốc điều trị bệnh kéo dài: Đừng đổ lỗi cho cơ chế!

20/03/2023 | 18:18 GMT+7

Tình trạng thiếu thuốc diễn ra nghiêm trọng thời điểm đầu và giữa năm 2022, nhiều kho thuốc ở các bệnh viện, trung tâm y tế hầu như cạn nguồn thuốc phục vụ khám, chữa bệnh. Thực tế thì thiếu thuốc không phải là vấn đề mới và không phải lần đầu xảy ra ở ngành Y tế nhưng phải nhìn nhận lần này nhiêm trọng hơn.

Bài 1: Ngành Y tế loay hoay, người bệnh khổ!

Đến thời điểm này tình trạng thiếu thuốc vẫn nghiêm trọng và ngành y tế vẫn loay hoay tìm hướng đảm bảo đủ thuốc, trong khi bệnh nhân bảo hiểm y tế chịu thiệt, ảnh hưởng quyền lợi kéo dài.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đáp ứng khoảng 70% thuốc điều trị.

Thiếu 36% thuốc thầu ở tỉnh

Đến thời điểm này, đã hết quý 1-2023, nhưng vẫn còn 36% giá trị thuốc chưa trúng thầu đối với các gói thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh năm 2022-2023.  

Trao đổi xoay quanh thực trạng thiếu thuốc điều trị bệnh hiện nay tại tỉnh, ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Qua 2 lần tổ chức đấu thầu, tổng giá trị trúng thầu gần 350 tỉ đồng, đạt 64%, tức còn 36% thuốc chưa trúng thầu, điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác khám, điều trị bệnh ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Không chỉ thuốc đấu thầu ở tỉnh, thuốc thầu quốc gia còn thiếu nghiêm trọng hơn với tổng giá trị trúng thầu đến thời điểm hiện tại được phân bổ cho cả tỉnh gần 41 tỉ đồng, chỉ đạt 45,26%”.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ đảm bảo khoảng 70% yêu cầu thuốc phục vụ cho điều trị. Bà Huỳnh Thị Tiến Vân, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: “Bệnh viện hiện đảm bảo được khoảng 70% thuốc, trong đó thiếu thuốc biệt dược gốc phục vụ trong phòng mổ, không có thuốc này thì sử dụng thuốc nhóm khác cũng được nhưng hiệu quả không bằng. Thiếu thuốc điều trị ung thư, thuốc Đông y,… ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Một số thuốc không trúng thầu dù có thuốc thay thế nhưng hiệu quả điều trị sẽ thấp hơn. Bệnh viện vẫn duy trì hoạt động được nhưng ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”.

Còn ở Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, rơi vào tình trạng thiếu thuốc phiến (thuốc sắc) cho bệnh nhân từ hơn 1 năm nay, cũng do không trúng thầu, khiến các bác sĩ rất khó khăn duy trì chất lượng điều trị.

Ông Phan Dũng Sĩ, Trưởng khoa này, nhấn mạnh: “Dù có thuốc thành phẩm thay thế, nhưng hiệu quả sẽ không bằng, bởi trên thuốc phiến bác sĩ có thể điều chỉnh các vị thuốc tùy vào từng mặt bệnh, đối với thuốc thành phẩm không thực hiện được. Chúng tôi mong sớm có thuốc phiến để phục vụ cho người bệnh, đáp ứng yêu cầu điều trị ở khoa. Khó khăn trong đấu thầu đề nghị cần có hướng giải quyết nhanh chóng”.

Tình trạng thiếu 36% thuốc kéo dài ở tỉnh và trên 50% thuốc thầu quốc gia khiến người bệnh và cơ sở y tế đều rất khó khăn và có những hệ lụy kéo theo.

Ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tốn kém, phiền hà cho bệnh nhân

Đơn vị ung bướu được thành lập ở khoa ngoại tổng hợp từ năm 2017 đến nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng hơn 1 năm rồi do thiếu thuốc không còn lượng bệnh nhân điều trị là trăn trở của y, bác sĩ ở đây.

 Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Cần, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Trưởng đơn vị ung bướu, chia sẻ:Tại khoa, nghiêm trọng nhất là thiếu hầu hết thuốc điều trị ung thư, chỉ còn thuốc điều trị kéo dài sau khi bệnh nhân được phẫu thuật. Bệnh nhân đã hóa trị, xạ trị chỗ khác thì khó thu hút về bệnh viện để theo dõi, điều trị kéo dài. Không có thuốc điều trị ung thư hơn 1 năm qua nên hầu như không còn lượng bệnh nhân ung thư điều trị ở khoa”.

Trong khi, đơn vị ung bướu điều trị được ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư tuyến giáp. Nhưng do thiếu thuốc, bệnh nhân đến phải chuyển đi tuyến trên, ảnh hưởng đến quyền lợi và phiền hà, tốn kém cho bệnh nhân do phải đi tuyến trên, mất thời gian, tốn thêm chi phí đi lại. Trong khi điều kiện kinh tế của bệnh nhân ung thư rất khó khăn.

Trong khi đó, theo bác sĩ Cần: “Thuốc điều trị ung thư phải điều trị phối hợp, trúng thầu không đồng bộ nên không sử dụng được cả những loại thuốc đã trúng thầu”, đặt ra vấn đề thuốc đấu thầu trúng nhưng vẫn không sử dụng được.

Để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo điều trị cho bệnh nhân, các bệnh viện, trung tâm y tế phải đưa ra các giải pháp tình thế, tuy nhiên một là ảnh hưởng quyền lợi bệnh viện hoặc tốn kém cho bệnh nhân.

Ông Đoàn Tấn Kiệt, Trưởng khoa Dược - Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Bệnh viện chỉ đảm bảo khoảng 70-80% thuốc, cũng thiếu thuốc nhất là thuốc ở phòng mổ. Một số thuốc bệnh viện phải tự bỏ tiền mua để phục vụ cho bệnh nhân. Một số trường hợp cần thiết y, bác sĩ tư vấn nếu bệnh nhân đồng ý sẽ tự bỏ chi phí mua thuốc điều trị nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất”.

Song tình trạng thiếu thuốc còn dẫn đến nguy cơ các mặc hàng thuốc trúng thầu sẽ hết trước thời hạn cuối năm 2023. Ông Kiệt phân tích: “Thiếu thuốc thay vì dự trù sử dụng 2 năm nhưng do sử dụng thay thế, tập trung sử dụng một vài loại thuốc trúng thầu, dự báo một số mặt hàng trúng thầu sẽ sử dụng hết số thuốc theo dự trù sớm hơn cuối năm 2023 và cần được mua sắm thêm để đáp ứng yêu cầu điều trị. Nếu không chủ động sẽ tiếp tục thiếu các mặc hàng thuốc này”.

Thiếu thuốc ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tốn kém, phiền hà cho bệnh nhân, giảm uy tín, niềm tin của bệnh nhân đối với cơ sở y tế, đây là hệ lụy khiến bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh đau đầu...

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>