Bệnh nhân, bệnh viện đều lao đao do thiếu thuốc điều trị

12/05/2022 | 09:42 GMT+7

Thiếu thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế là thực trạng chung của hầu hết các cơ sở y tế của tỉnh hiện nay. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài, một số cơ sở y tế sẽ khó “cầm cự” để đảm bảo nguồn thuốc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bài 1: Nguy cơ cạn nguồn thuốc điều trị

Thuốc là nhân tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả điều trị, khi bác sĩ khám, chữa bệnh mà không có thuốc cho bệnh nhân ví như “đánh trận không có vũ khí”...

Tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế xảy ra tại nhiều cơ sở y tế của tỉnh.

Đâu đâu cũng thiếu thuốc

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang rất lo lắng trước tình trạng nguồn thuốc thiếu ngày một nghiêm trọng hơn. Ông Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho hay: “Thời điểm này, trị giá tiền thuốc trong kho bệnh viện chưa đầy 2 tỉ đồng. Trước đây bệnh viện sử dụng trong 1 tháng phải từ 2-3 tỉ đồng tiền thuốc. Thuốc tồn kho từ 6-9 tỉ đồng mới đủ thuốc phục vụ cho bệnh nhân. Với tổng số thuốc tồn kho hiện nay, bệnh viện đang bị thiếu thuốc rất trầm trọng. Hiện tại, có nhiều loại thuốc thiếu: kháng sinh, thuốc tiểu đường, huyết áp, viêm gan, thuốc điều trị ung thư, thuốc an thần, thuốc điều trị dạ dày, thuốc chống đông, tiêu chảy, tăng tuần hoàn não, các loại đạm, các vitamin. Tình trạng thiếu thuốc nếu kéo dài một tuần nữa, bệnh viện sẽ không còn nguồn thuốc để tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi đã có tờ trình gửi khẩn cho Sở Y tế có giải pháp để khắc phục tình trạng này”.

Cạn nguồn thuốc, thiếu thuốc không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mà còn xảy ra ở các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã. Bà Võ Thị Cúc, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, phản ánh: “Tình trạng thiếu thuốc kéo dài gần 3 tháng qua, thuốc trong kho hầu như không còn gì nên bác sĩ khi khám bệnh cũng không thể thay thế các loại thuốc khác khi loại thuốc này hết. Bác sĩ ngại không dám ngồi phòng khám, rất khó khăn khi bệnh nhân phàn nàn. Chúng tôi phải giải thích rất nhiều với câu hỏi của bệnh nhân: Khám bệnh sao không có thuốc? Khám bệnh mà có một số loại thuốc còn cứ cho hoài là không ổn, còn yêu cầu bệnh nhân mua thì không đúng quy định. Vì đảm bảo hiệu quả điều trị, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân mua thuốc, nếu bệnh nhân dễ tính, có điều kiện thì chấp nhận mua, còn bệnh nhân khó tính, hoàn cảnh khó khăn sẽ hạch hỏi vì sao phải mua thuốc? Nhất là bệnh nhân bệnh mãn tính”.

Tại Phòng khám Đa khoa khu vực xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cũng rơi vào tình trạng này. Bà Lê Thị Phúc, Trưởng phòng khám, cho biết: “Phòng khám thiếu thuốc huyết áp, tiểu đường, tim mạch”.

Từ thực trạng chung này, tâm lý bác sĩ khi khám, chữa bệnh rất trăn trở, ái ngại với người bệnh.

Nhiều hệ lụy…

Bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thuốc kéo dài thời gian qua, bệnh nhân Nguyễn Thị Nguyên, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, lo lắng: “Gia đình khó khăn, tôi phải mượn tiền để mua bảo hiểm y tế. Mà mấy tháng nay thuốc huyết áp cơ sở y tế nói không có để cấp. Tôi cũng không biết khi nào có lại, mua bảo hiểm y tế giờ cũng phải mua thuốc”. Tình trạng thiếu thuốc đã không đảm bảo được quyền lợi, làm gián đoạn việc khám, chữa bệnh của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Giảm hiệu quả điều trị, gây nhiều khó khăn cho cơ sở y tế là hệ lụy được hầu hết các cơ sở y tế đề cập. Ông Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phân tích: “Khi thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Bác sĩ điều trị bệnh không đúng phác đồ, thời gian điều trị của bệnh nhân không được liên tục, bệnh nhân chậm khỏi bệnh. Có những trường hợp phải chuyển tuyến. Hiệu quả điều trị giảm, bệnh nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, bị tốn tiền mua thuốc, bác sĩ giảm uy tín, niềm tin của người bệnh giảm đối với bệnh viện”.

Tình trạng thiếu thuốc kéo dài đã làm giảm niềm tin của người dân đối với việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, sẽ gây khó khăn cho địa phương trong vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế thời gian tới. Thực tế, tình hình số lượt khám, chữa bệnh những tháng đầu năm nay của các cơ sở y tế tỉnh đều giảm, không đạt chỉ tiêu thời điểm. Một phần nguyên nhân chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu thuốc.

Thiếu thuốc, giảm hiệu quả điều trị, giảm sức hút của cơ sở y tế của tỉnh, càng đẩy bệnh nhân lựa chọn khám, chữa bệnh đa tuyến tại các tỉnh, thành phố khác. Kinh tế bệnh viện gặp khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển bệnh viện và đời sống của nhân viên y tế.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

--------------

Bài 2: Thiếu thuốc do đâu ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>