Trong chuyển đổi số, Hậu Giang có nhiều sáng kiến bước đầu

31/12/2023 | 14:25 GMT+7

Chuyển đổi số ở Hậu Giang đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, được xem là yếu tố góp phần giúp địa phương bứt phá trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Nhìn nhận lại những kết quả chuyển đổi số ở Hậu Giang trong thời gian qua, ông Nguyễn Phú Tiến (ảnh), Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), đã có những chia sẻ cùng Báo Hậu Giang trong chuyến công tác tại tỉnh vừa qua.

Hai năm liên tục, Hậu Giang xếp thứ 17/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số, năm 2022 còn là tỉnh nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số, ông có đánh giá như thế nào về chuyển đổi số ở Hậu Giang ?

- Hậu Giang rất quyết liệt từ việc chỉ đạo cũng như triển khai về chuyển đổi số. Trong 2 năm qua, tỉnh vẫn giữ được thứ hạng 17/63 tỉnh, thành về chỉ số DTI, so với những địa phương khác vẫn là ở mức khá trong khu vực cũng như trên quy mô quốc gia.

Theo tôi, để thực hiện đạt được vị trí như vậy, tỉnh đã rất quyết tâm và đồng lòng, từ lãnh đạo cho đến người dân và doanh nghiệp. Hậu Giang là địa phương còn rất nhiều khó khăn, giữ được thứ hạng này là nỗ lực rất lớn. Hy vọng trong thời gian tới tỉnh tiếp tục quyết tâm, không những là giữ thứ hạng, có thể nâng cao được thứ hạng. Quan trọng là thực sự thúc đẩy chuyển đổi số vào để phát triển kinh tế - xã hội hướng tới là phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.

Vậy ông có đánh giá như thế nào về nỗ lực triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ?

- Về chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hậu Giang đã có nhiều sáng kiến bước đầu, hướng tới hiệu quả trong phục vụ cho người dân. Cụ thể, như ứng dụng cho phép người dân nhận diện khuôn mặt, có thể tra cứu tình trạng hồ sơ, thay vì người dân cứ phải nhớ mã hồ sơ của mình. Hiện nay, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến ở quy mô cấp tỉnh, đặc biệt là ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến khá cao, trên 70%.

Trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục để dịch vụ công cấp huyện, cấp xã, người dân nộp được hồ sơ từ nhà. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến là hướng tới toàn trình, có nghĩa là người dân nộp hồ sơ từ nhà, cơ quan nhà nước xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, sau đó có thể trả kết quả, thanh toán trên môi trường mạng.

Hai năm liên tục, Hậu Giang đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ chuyển đổi số, cùng nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, ông thấy những chuỗi sự kiện này đã tác động như thế nào đến chuyển đổi số ?

- Muốn chuyển đổi số thành công, một trong những yếu tố nền móng cho chuyển đổi số là nhận thức. Trong đó, nhận thức đầu tiên là quyết tâm của lãnh đạo, quyết tâm này phải biến thành nhận thức và mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ qua tuần lễ, từ những sự kiện cụ thể, sẽ tác động rất lớn tới nhận thức, mong muốn của người dân khi chuyển đổi số.

Chúng ta nói chuyển đổi số giống như cuộc cách mạng, thì trong cuộc cách mạng ấy phải có sự tham gia của người dân và người dân phải làm trung tâm. Trong Tuần lễ chuyển đổi số, đã có rất nhiều sự kiện với sự tham gia trực tiếp của người dân và doanh nghiệp. Qua đây, người dân thấy những dịch vụ số thực sự tác động đến lợi ích trong cuộc sống. Khi người dân đã có nhận thức, lúc đó chúng ta sẽ có những đột phá trong chuyển đổi số qua những sự kiện.

Hy vọng trong những năm tới, Hậu Giang sẽ tiếp tục có những sự kiện, những dịch vụ để người dân được tiếp cận, hưởng lợi và có cả những dịch vụ mang tính ưu đãi, để kích thích ban đầu người dân. Khi người dân hiểu về kỹ thuật số, hiểu công nghệ số, phục vụ cho cuộc sống của mình, thì chuyển đổi số sẽ tạo thành phong trào, tạo ra luồng sinh khí để người dân biết là ứng dụng công nghệ số, để phục vụ cho chính mình. 

Hậu Giang đã có những chuyển biến tích cực lĩnh vực chuyển đổi số từ sự quan tâm quyết liệt, đồng bộ.

Hậu Giang là một trong những tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long thành lập Khu Công nghệ số. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đây, ông có những khuyến nghị gì ?

- Doanh nghiệp chỉ phát triển khi có vị trí, điều kiện và phải có thị trường. Do đó, điều chúng tôi mong muốn trong thời gian tới là tập trung phát triển kinh tế số bao gồm cả 2 thành phần.

Thứ nhất là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nhưng gắn liền với thành phần hữu cơ là các ngành kinh tế. Chúng ta phải làm sao thúc đẩy nhận thức cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số.

Thứ hai là kinh tế số ngành, tức là bản thân những doanh nghiệp trong các ngành nghề truyền thống phải ứng dụng công nghệ số, tạo ra kinh tế số. Đây chính là “cầu” của kinh tế số, qua đây sẽ kích thích các doanh nghiệp công nghệ số ở các nơi khác về Hậu Giang để phát triển, cung cấp các dịch vụ số.

Xin cảm ơn ông !

AN NHIÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>