Khẳng định vai trò trong công cuộc chuyển đổi số

24/01/2024 | 08:08 GMT+7

Ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực, từng bước khẳng định vai trò trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh.

Ngành TT&TT tỉnh nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động và hỗ trợ các ngành, địa phương của tỉnh thực hiện CĐS.

Nhiều điểm nhấn nổi bật

Năm 2023, ngành TT&TT đã thực hiện tốt công cuộc CĐS với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Công tác truyền thông, báo chí tiếp tục được quản lý tốt, phản ánh toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Ngành đã làm tốt công tác truyên truyền, huy động sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu CĐS.

Kết quả, Hậu Giang nằm trong nhóm cao về xếp hạng CĐS cấp tỉnh, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành về CĐS trong năm 2022, nằm trong Top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.

Ngành còn tham mưu UBND tỉnh thông qua Đề án thành lập Khu Công nghệ số, đây được xem là điểm nhấn nổi bật thúc đẩy công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh.

Là một trong những doanh nghiệp chọn đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang với mục tiêu thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông Hà Duy Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm STEAMZONE, cho biết: “Chúng tôi đầu tư vào tỉnh với mong muốn xây dựng một trung tâm STEAM của vùng. Sẽ tổ chức các tour để đưa học sinh các tỉnh trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đến trung tâm STEAM Hậu Giang. Chúng tôi mong muốn gắn kết với các hệ sinh thái bên trong, chia sẻ những công nghệ ở các doanh nghiệp lân cận”.

Sau hơn 10 tháng được thành lập, đến cuối năm 2023, Khu Công nghệ số đã thu hút được 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký đầu tư, kỳ vọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế số trong thời gian tới.

Sở TT&TT tỉnh còn phối hợp tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2023, với quy mô và số lượng tăng gấp đôi so với năm 2022, thu hút trên 3.000 lượt người tham dự. Phối hợp doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; thành lập 525 tổ công nghệ số cộng đồng tại ấp, khu vực với 3.740 thành viên tham gia hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia CĐS...

Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã phủ sóng di động; số thuê bao điện thoại/100 dân đạt 122 thuê bao, số thuê bao internet băng thông rộng/100 dân đạt 19,3 thuê bao; triển khai trạm phát di động (5G) tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02, về xây dựng chính quyền điện tử và CĐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, công tác truyền thông thúc đẩy quá trình CĐS được Sở TT&TT quan tâm triển khai; đổi mới nội dung, hình thức, tăng tần suất tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở đến trang, cổng thông tin điện tử; đa dạng hóa phương thức tuyên truyền bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại; 100% cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Toàn tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng các đô thị thông minh. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định. Kinh tế số đang từng bước được hình thành, việc phát triển kinh tế số sẽ làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử. Mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển xã hội số cũng được chú trọng, nhằm góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin trong thực hiện CĐS.

Chia sẻ tại một hội nghị mới đây, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị ngành TT&TT tỉnh nhà thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong hướng dẫn các địa phương thực hiện CĐS đặc biệt, thực hiện Bộ tiêu chí về CĐS năm 2024; phối hợp với các đơn vị chuẩn bị cho Tuần lễ CĐS và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2024 cụ thể, đi vào chiều sâu; nhanh chóng hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang trở thành Khu Công nghệ thông tin tập trung độc lập; phối hợp tham mưu triển khai các chính sách thu hút đầu tư vào khu này; thường xuyên quan tâm, hỗ các địa phương về công tác chuyên môn, nhất là hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng; tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí phụ cấp cho tổ công nghệ số cộng đồng…

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>