Để người dân không dùng tiền mặt khi đi chợ

10/10/2023 | 11:42 GMT+7

Sau thời gian chuẩn bị, trong tháng 10 này thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A sẽ ra mắt mô hình Chợ an toàn - Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt theo kế hoạch phối hợp của Hội LHPN huyện với Huyện đoàn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh huyện.

Người dân quét mã thanh toán khi mua sắm tại chợ Bảy Ngàn.

Theo Hội LHPN huyện, trên địa bàn huyện hiện đã có nhiều xã, thị trấn thực hiện mô hình Chợ an toàn - Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt. Riêng năm 2023 này, có 2 đơn vị ra mắt mô hình Chợ an toàn - Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt đó là thị trấn Cái Tắc (đã ra mắt) và thị trấn Bảy Ngàn.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Chủ tịch Hội LHPN huyện, thông tin, việc ra mắt các chợ 4.0 trên địa bàn huyện sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ. Đây là bước đầu để hướng đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh hiện đại, hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh triển khai bán hàng không dùng tiền mặt, bán hàng qua mạng và các sàn thương mại điện tử...

Nhận thấy những lợi ích khi thực hiện mô hình chợ 4.0, bà Trần Mỹ Kiều, chủ cửa hàng quần áo thời trang Tuấn Kiều, chợ Bảy Ngàn, tiên phong thực hiện việc trang bị bảng mã để khách hàng quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng cách nay 5 tháng.

Bà Kiều chia sẻ: “Qua nghe thông tin trên phương tiện đại chúng, sự vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương và Hội LHPN thị trấn, tôi nhận thấy được sự tiện lợi của việc thanh toán không dùng tiền mặt nên chủ động trang bị mã QR thanh toán cho khách hàng. Tôi còn thực hiện việc quét mã vạch hàng hóa khi thanh toán. Với cách làm này, mỗi sản phẩm đều có mã giá cụ thể, người dân yên tâm hơn về giá cả khi mua, mình cũng thuận lợi hơn trong việc kiểm soát các đơn hàng trong ngày, dễ dàng hơn trong khâu kiểm hàng”.

Theo bà Kiều, hiện nay khách hàng đến cửa hàng mua sắm đa phần đã biết đến việc thanh toán qua hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hoặc quét mã QR thanh toán. Bình quân, có khoảng 50% lượng khách chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

“Giờ khách đến tiệm tôi đều hướng dẫn để thanh toán qua quét mã QR hoặc chuyển khoản để tạo thói quen cho mọi người. Đa phần nhóm khách trẻ đều rất am hiểu việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ còn số cô chú lớn tuổi chưa rành sử dụng điện thoại thông minh hoặc chưa có tài khoản ngân hàng mới dùng tiền mặt để thanh toán. Không chỉ riêng chỗ tôi mà chợ này đã có nhiều cửa hàng thực hiện quét mã thanh toán”, bà Kiều chia sẻ thêm.

Bất ngờ khi biết đến việc quét mã QR thanh toán, bà Phạm Thị Kiều My, ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, chia sẻ: “Cách nay mấy tháng, tôi cũng được hướng dẫn cách thanh toán tiền khi mua hàng hóa bằng hình thức chuyển khoản. Rồi giờ ra chợ lại được hướng dẫn thêm việc quét mã QR thanh toán. Tôi thấy việc thanh toán cách này rất tiện lợi, lỡ như không đem đủ tiền mặt cũng có thể mua sắm được”.

Theo Hội LHPN thị trấn Bảy Ngàn, dự kiến trong tháng 10, chợ Bảy Ngàn sẽ là đơn vị thứ 5 của huyện ra mắt mô hình Chợ an toàn - Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị ra mắt mô hình đã được Hội phối hợp thực hiện chu đáo, sẵn sàng cho ngày ra mắt.

Bà Phan Thị Yến Linh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: “Qua rà soát chợ có khoảng 430 hộ tiểu thương mua bán, để thực hiện mô hình chợ 4.0, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động giai đoạn 1 có 360 hộ cài đặt ví điện tử thanh toán không dùng tiền mặt. Song song đó, cũng vận động hội viên và người dân trên địa bàn cài đặt ví điện tử, đăng ký tài khoản ngân hàng để cùng nhau thanh toán không dùng tiền mặt khi đi chợ, giúp cho mô hình chợ 4.0 phát huy hiệu quả khi ra mắt”.

 Hội LHPN thị trấn Bảy Ngàn thông tin thêm, thực hiện mô hình Chợ an toàn - Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài việc vận động hộ tiểu thương và người dân không dùng tiền mặt, Hội còn tuyên truyền người dân thực hiện tốt các nội dung chợ an toàn, trong đó chú trọng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm khi mua bán, đảm bảo về bảo vệ môi trường, thực hiện văn hóa trong giao thương...

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>