Gặp những “gương mặt vàng” lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

10/02/2024 | 05:44 GMT+7

Năm 2023, hai cá nhân lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã mang về những thành tích cao nhất trong các cuộc thi lớn đầu tiên cho đất Hậu Giang. Xuân mới, cùng gặp gỡ những điển hình này.

Lý Anh Lam - Chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh lãng tử

NSNA Lý Anh Lam đã nhận hàng chục huy chương quốc tế.

Anh tên thật là Nguyễn Hiền Thanh, hiện là họa sĩ, phóng viên ảnh của Báo Hậu Giang.

Tên gọi Lý Anh Lam được bà ngoại nuôi của anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) nổi tiếng những năm sau giải phóng - bà Trịnh Thị Linh Phượng (NSNA Linh Phượng) đặt cho. Còn ông ngoại nuôi của anh chính là NSNA Lý Wày (ông tên thật là Lương Huệ Quân), một trong những nhiếp ảnh gia kháng chiến xuất sắc của nước nhà, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

Nói về ông bà ngoại nuôi là những NSNA nổi tiếng, Lý Anh Lam chia sẻ: “Bà ngoại nuôi là dì ruột của mẹ tôi, tôi kêu là bà dì. Từ nhỏ mẹ tôi được bà dì nhận nuôi, mẹ coi bà dì như mẹ ruột. Ông bà là người truyền cảm hứng cho tôi đến với nhiếp ảnh, nhưng phải đến khi làm báo chí, tôi mới có cơ hội sống với nghiệp ảnh”.

Làm báo, phụ trách trực tiếp dàn trang tại Báo Hậu Giang, thấy phóng viên đi chụp hình hội nghị, sự kiện vui, nên anh dần làm quen với chiếc máy ảnh, khởi đầu đam mê chỉ là những chiếc máy cơ, máy ảnh đời cũ mượn của anh em, sau đó đầu tư dần dần những chiếc máy ảnh kỹ thuật số “đỉnh” hơn.

“Ban đầu mình chụp không đẹp, nghề nào cũng vậy, kỹ năng chỉ là một phần rất nhỏ, còn lại do rèn luyện mà nên, đến giờ mình vẫn phải học mỗi ngày từ anh chị đi trước, học cả những bạn trẻ mới vào nghề về ý tưởng, chọn góc nhìn cho ảnh”, NSNA Lý Anh Lam chia sẻ.

NSNA Lý Anh Lam (thứ 4 từ phải sang) lãnh giải xuất sắc của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chuyên ngành Trung ương năm 2023.

Có những khi anh đi rong ruổi khắp nơi, từ vùng biển, đến biên cương xa xôi của Tổ quốc, ở cả ngày trong những khu rừng vắng để tìm đề tài, săn những khoảnh khắc độc. Anh tự nhận mình có phần lãng tử, điều này thể hiện trong nhiều tác phẩm, luôn cố gắng chỉn chu, lộng lẫy, bắt những khoảnh khắc đẹp nhất, hoàn hảo nhất có thể.

Những cố gắng, đầu tư nghiêm túc, sống trọn vẹn với nhiếp ảnh đã giúp anh được công nhận là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2021.

Năm nay, NSNA Lý Anh Lam liên tục gặt vàng trong các hội thi, liên hoan về ảnh trong nước và quốc tế. Với bộ ảnh ““Hạt vàng” gieo những niềm vui”, đã đoạt giải xuất sắc dành cho tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, huy chương vàng Nhiếp ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nhiếp ảnh Hậu Giang đoạt giải thưởng vinh dự này. Với bộ ảnh này, anh cũng đoạt hàng loạt giải thưởng khác: Huy chương vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 38, tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, là người thứ hai của Hậu Giang giành “vàng” tại liên hoan danh giá này; giải nhất Giải Báo chí tỉnh Hậu Giang. Anh còn đoạt huy chương vàng, huy chương đồng Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế Petrus tại Cộng hòa Serbia, huy chương bạc Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế Chianti Roads 2023 tại Italia... Những năm trước, anh cũng đoạt rất nhiều huy chương quốc tế khác. Mỗi giải thưởng là động lực để anh vững tin với nghiệp ảnh.

Mỗi năm, anh chụp không dưới 10.000 bức ảnh tất cả các thể loại, sự kiện, trong số này có những bức không được sử dụng, nhưng mỗi bức ảnh lưu dấu một khoảnh khắc cuộc sống, một giai đoạn làm nghề của bản thân mình, nên anh luôn trân trọng.

Như Ý - Lần đầu đem “Chuông vàng vọng cổ” về đất Hậu Giang

Như Ý trưởng thành từ phong trào đờn ca tài tử ở quê nhà Hậu Giang.

Nguyễn Thị Như Ý, người con đất Hậu Giang, xuất sắc vượt qua các thí sinh “nặng ký” để giành Chuông vàng vọng cổ 2023 với giải thưởng 100 triệu đồng khi tròn 20 tuổi. Là thí sinh Hậu Giang đầu tiên đoạt giải cao nhất cuộc thi danh giá này. Sau 18 năm tổ chức, cuộc thi là bệ phóng cho nhiều ngôi sao cải lương phía Nam.

Như Ý trưởng thành từ phong trào đờn ca tài tử ở quê nhà, nên đến với cuộc thi phải thể hiện nhiều chặp cải lương, trích đoạn, diễn xuất, là thử thách lớn với cô gái trẻ. Nhưng với tài năng thiên bẩm và nỗ lực không ngừng nghỉ, cô đã chinh phục Ban giám khảo là những tên tuổi lớn: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ để giành số điểm cao nhất 99,94 điểm. Như Ý còn đoạt luôn giải báo chí bình chọn với số phiếu tuyệt đối 6/6.

Tự hào quê hương Hậu Giang, ở các vòng thi quan trọng, Như Ý đều chọn các bài hát về quê nhà để thể hiện, “Em là Hậu Giang” (sáng tác Tô Thiên Kiều), “Hậu Giang đẹp khúc tình xuân” (sáng tác Nghi Lâm), để lại ấn tượng sâu sắc với Ban giám khảo, khán giả.

Vào năm 2019, khi mới 16 tuổi, tại Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau, tiết mục “Vọng mãi tiếng ru xưa” do Như Ý thể hiện đã giành giải A một cách thuyết phục. Như Ý cũng từng tham gia các cuộc thi “Tài tử miệt vườn”, “Nhà nông tài tử tranh tài”, đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ 3 diễn ra tại Cần Thơ và đoạt giải Á quân “Tài danh tân cổ”.

Sinh năm 2003, tại ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, trong gia đình có ông ngoại, mẹ và dì đều là những người ca tài tử. Từ nhỏ, trong những lần được nghe người thân hát, cô cũng tập tành hát theo và 3, 4 tuổi đã có thể hát được những bài đơn giản. Càng lớn, chất giọng càng thể hiện rõ nét và khoảng 7 tuổi, Như Ý bắt đầu tham gia các hội thi, hội diễn cấp thành phố, cấp tỉnh. Những giải cá nhân dành cho giọng hát nhỏ tuổi nhất, giọng ca triển vọng, giải diễn viên, nghệ nhân xuất sắc… đều đặn hàng năm là động lực để Như Ý vun bồi niềm đam mê với tài tử. Như Ý chia sẻ: “Tài tử đã thấm vào máu thịt và em không thể giải thích được vì sao mình đam mê, chỉ biết nghe tiếng rao đờn là muốn hát…”.

Như Ý cùng nghệ sĩ Thanh Hằng trong đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ 2023 với trích đoạn “Liệt phụ kêu oan”.

Con đường nghệ thuật của Như Ý thuận lợi hơn những nghệ nhân nhỏ tuổi khác, khi có người dì là một nghệ nhân tài tử - Nghệ nhân ưu tú Kim Khéo (công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang), đã chỉ dẫn cho biết đúng, biết đủ các bài bản tài tử, rèn cách trình diễn trên sân khấu và tạo điều kiện để được cọ xát với các cuộc thi.

Chuông vàng vọng cổ là cơ hội để Như Ý chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, hứa hẹn là ngôi sao sáng của cải lương Nam bộ trong tương lai!

BẢO NAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>