ĐBSCL cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn

24/09/2022 | 21:52 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 24-9, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL” và lễ công bố báo cáo “Hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Benoit Bosquet, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới. Cùng dự có các cơ quan Trung ương và địa phương, các đối tác phát triển, các viện nghiên cứu, học viện, lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế. Về phía tỉnh Hậu Giang, dự có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “ĐBSCL cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn. Câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu là chuyện của đồng bằng chứ không phải chuyện riêng lẻ từng tỉnh trong vùng. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung để tăng tỷ trọng trong lĩnh vực thủy sản và cây ăn trái, giảm lúa gạo. Quy hoạch 3,8 triệu hec-ta trồng lúa là linh hoạt có độ mở chứ không đóng khung”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao báo cáo “Hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tích hợp rất nhiều giải pháp, phải nghĩ mới trên cái cũ, tiếp cận tư duy mới. Nếu chỉ tiếp cận lúa gạo với sản lượng, quy mô sản xuất phải tích hợp, tiếp cận với giá trị, sinh kế bền vững của người trồng lúa. Xưa nay, tiếp cận thông qua sản lượng, quy mô, kim ngạch. Bây giờ tiếp cận ngành hàng lúa gạo, qua những người nông dân trồng lúa... Con người mới là trung tâm. Do đó, phải xây dựng lại tổ nhóm những người nông dân, để họ liên kết với nhau, hình thành hệ sinh thái ngành hàng. Có những con người trong đó, là người sản xuất, người kinh doanh nông sản, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia… Khi tiếp cận như vậy sẽ thấy còn rất nhiều việc để làm chứ không chỉ duy nhất là kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hay chỉ dừng lại ở nông nghiệp mà là nông dân, nông thôn, hướng đến nông nghiệp xanh… Ba cái biến lớn nhất đối với nông nghiệp Việt Nam, hiện hữu rõ nhất ở ĐBSCL là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

Ông Trương Cảnh Tuyên (ngồi thứ 2 từ phải sang), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, tham dự hội thảo.

Cũng tại hội thảo, đã công bố báo cáo “Hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Báo cáo gợi ý rằng Việt Nam có thể chuyển đổi ngành lúa gạo bằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng sản lượng, tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất. Việc chuyển đổi này đòi hỏi đầu tư đáng kể và cải cách chính sách lớn để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích cũng như phối hợp hành động của các bên liên quan ở tất cả các cấp.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết: “Ngành nông nghiệp cho dù đạt rất nhiều thành tựu, vẫn là nhân tố đóng góp quan trọng vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đã đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn, càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao. Kinh nghiệm cho thấy Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược và tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại”.

Báo cáo nêu bật 5 lĩnh vực chính sách từ ngắn hạn đến trung hạn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang lúa gạo carbon thấp, bao gồm đảm bảo tính nhất quán của chính sách cũng như việc điều chỉnh kế hoạch - ngân sách, định hướng lại các công cụ chính sách và chi tiêu công, thúc đẩy đầu tư công, cải thiện thể chế, và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và các bên liên quan khác tham gia.

Tin, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>