Nỗ lực trở lại sau án phạt doping

19/12/2023 | 09:38 GMT+7

Quách Thị Lan, Lê Ngọc Phúc, Khuất Phương Anh được tập trung trở lại đội tuyển quốc gia năm 2024 sau thời gian vướng án phạt doping là tin vui cho bộ môn điền kinh lẫn thể thao Việt Nam.

Quách Thị Lan sẽ nỗ lực nhiều hơn cho sự trở lại sau án phạt doping.

Bài học chưa bao giờ cũ

Án cấm thi đấu do dính doping tại SEA Games 31 của Quách Thị Lan, Khuất Phương Anh, Lê Ngọc Phúc lần lượt kết thúc ngày 18-11, 17-11 và 16-9 vừa qua. Tâm trạng chung của các vận động viên là vui mừng, bày tỏ quyết tâm trở lại sự nghiệp thể thao và khẳng định thương hiệu bản thân với những mục tiêu riêng. Thời gian qua, họ vẫn duy trì tập thể lực ở đơn vị chủ quản để đảm bảo chỉ số chuyên môn tốt nhất, tuy nhiên với khối lượng và cường độ thấp do không tham gia thi đấu. Có lúc các vận động viên thấy chán nản khi không được thi đấu nhưng đã dần lấy lại sự cân bằng, cố gắng hoàn thiện bản thân, tích lũy thêm kinh nghiệm về chiến thuật và khả năng đọc tình huống để trở lại mạnh mẽ.

Họ cũng được tạo điều kiện thi đấu kiểm tra thành tích, lấy cơ sở giúp ban huấn luyện tuyển chọn lực lượng vào đội tuyển quốc gia trong đợt tập trung năm 2024. Cả 3 vận động viên trên đều giữ được khả năng chuyên môn và các tổ nội dung 400m, 400m rào nữ, 400m nam, 800m và 1.500 nữ của điền kinh Việt Nam vẫn rất cần sự đóng góp của họ để làm nên một đội tuyển mạnh.

Bỏ lại sau lưng những chuyện buồn, vui đã qua, các vận động viên vẫn quyết tâm hướng tới đỉnh cao sự nghiệp khi trải qua bước ngoặt khó khăn. Cánh cửa đội tuyển quốc gia luôn rộng mở với tất cả tuyển thủ có năng lực, bản lĩnh, các giải đấu sắp tới là điều kiện tốt nhất để tiếp tục chinh phục thành tích mới và họ không cho phép bản thân bị vấp ngã. Vẫn không thiếu trường hợp từng dính doping và khi hết án cấm đã trở lại với chuyên môn đạt yêu cầu, thi đấu có thành tích.

Bài học về doping mãi luôn sâu sắc trong sự nghiệp từng vận động viên, chắc chắn họ sẽ cẩn trọng và ý thức hơn trong sử dụng các loại thuốc, thực phẩm. Điều vận động viên chờ đợi nhất trong lúc này là một cơ hội để thể hiện và khẳng định bản thân.

Nâng cao ý thức phòng, chống doping

Mặc dù đã và đang có sự giám sát kỹ lưỡng, giáo dục ý thức về phòng, chống doping với các vận động viên, tuy nhiên, việc kiểm soát thực phẩm, thuốc là một bài toán không dễ. Do đó, trong quá trình chuẩn bị chuyên môn và chiến thuật, quan trọng các vận động viên phải ý thức không sử dụng những loại thực phẩm ngoài danh mục cấp và nếu dùng cần hỏi ý kiến của cán bộ chăm sóc y tế.

Để công tác phòng, chống doping hiệu quả hơn, Việt Nam phải sớm có trung tâm xét nghiệm doping đạt tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức lấy mẫu liên tục ở các đội tuyển thể thao quốc gia, địa phương. Vừa giúp tiết kiệm chi phí so với gửi xét nghiệm ở nước ngoài, lại khiến huấn luyện viên, vận động viên càng cẩn trọng hơn khi sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, cần sự đầu tư và cả tác động từ các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế. Đơn cử môn cử tạ hiện nay, đại diện tổ chức phòng, chống doping có thể xét nghiệm đột xuất các vận động viên cử tạ ở bất cứ quốc gia nào, kể cả khi không tập luyện hay thi đấu. Giải pháp này giúp hiện tượng sử dụng doping trong môn cử tạ giảm đáng kể và cần áp dụng với các môn khác.

Thể thao Việt Nam nên nhìn nhận lại công tác phòng, chống doping theo hướng làm việc thực chất, đó là cách duy nhất để tránh những bê bối tương tự tái diễn. Hầu hết các tuyển thủ dính doping đều tập trung vào những gương mặt triển vọng của quốc gia, nhắm cho mục tiêu lớn châu Á hay Olympic. Sẽ rất đáng tiếc khi họ phải chịu những án phạt có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chuyên môn và thành tích của thể thao Việt Nam, chưa kể mất đi cơ hội giành suất góp mặt ở các đấu trường lớn...

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>