Kỳ tích Hoàng Xuân Vinh

Sự giản dị và những chiếc huy chương Olympic

12/08/2016 | 08:50 GMT+7

Quan sát xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thi tài tại trường bắn Olympic, nhiều người khâm phục anh ở sự tự tin, giản dị. Chỉ nhìn vào cái kính bảo hộ mắt của anh thôi, đã thấy sự khác biệt quá nhiều so với các VĐV còn lại.

Dụng cụ bảo hộ của Hoàng Xuân Vinh cũng đơn sơ hơn các đối thủ.

Chưa hết tự hào với chiếc huy chương vàng (HCV) Olympic của Hoàng Xuân Vinh, thì tối đêm 10-8, người hâm mộ Việt Nam lại vui như trẩy hội với tấm huy chương bạc (HCB) danh giá thứ 2 tại đấu trường Olympic của xạ thủ xứ Nghệ. Sau 20 loạt bắn ở chung kết nội dung 50m súng ngắn, anh giành HCB với 191,3 điểm, kém 2,4 điểm so với nhà vô địch người Hàn Quốc Jin Jong Oh.

Trước khi đấu vòng loại của 50m súng ngắn, dù không phải là sở trường, nhưng khán giả quê nhà rất kỳ vọng vào thành công tiếp theo của anh, sau khi đã giành “vàng” Olympic. Trước đó, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung nói là chỉ có 30% cơ hội để vào chung kết ở nội dung thi đấu cuối cùng của bắn súng Việt Nam. Tuy vậy, kinh nghiệm, sự tự tin và tâm lý thoải mái đã tạo nên thành công thứ hai cho Hoàng Xuân Vinh. Trong khi những VĐV giành huy chương ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam trước đó dần rơi rụng.

Một niềm vui bất tận lại đến, nhưng cũng là cơ hội để nhìn lại sự giản dị đến bất ngờ của một ngôi sao bắn súng Thế vận hội. Khác xa với những hình ảnh VĐV các nước khác được bảo hộ đến… tận răng và không ít những VĐV khoác lên người toàn quần áo hàng hiệu, được tài trợ bởi những thương hiệu nổi tiếng, thì Hoàng Xuân Vinh vẫn rất giản dị và khác biệt trên trường bắn, với chiếc kính bảo hộ đơn giản quá sức và cũng chẳng có nón che mắt. Có thể kính của Hoàng Xuân Vinh cũng không rẻ với thu nhập của người Việt Nam, nhưng chắc chắn ít tiền hơn nhiều những chiếc kính bảo hộ của các VĐV nước khác. Bộ quần áo mặc trên người cũng có màu sắc rất nhu, xanh xám và có phần ít nổi bật so với những VĐV quá ư là màu mè trên đấu trường bắn súng Olympic, mà cụ thể là VĐV đoạt HCV của Hàn Quốc Jin Jong Oh đứng kế bên, với chiếc mũ đỏ và bộ quần áo khá bắt mắt.

Báo chí nước ngoài từng “sôi sục” khi thấy hình ảnh nhà vô địch 10m súng ngắn hơi nam Olympic đi xe chung về nơi ở, mà không được đưa đón như các kỷ lục gia Olympic khác. Ấn tượng của Hoàng Xuân Vinh cũng là ở đó, đã là một ngôi sao, nhưng anh không đòi hỏi hay đặt nặng đặc quyền của ngôi sao, Hoàng Xuân Vinh vẫn vậy, một sự giản dị đậm chất lính.

Từ chỗ để tuột tay tấm huy chương đồng đáng tiếc (chỉ kém 0,1 điểm trước đối thủ người Trung Quốc) vào 4 năm trước tại Olympic Luân Đôn 2012 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, đã thôi thúc ý chí chiến đấu của người lính Hoàng Xuân Vinh và quan trọng hơn, anh đang gánh trên vai sự kỳ vọng và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam… Tất cả điều đó đã làm nên chiến thắng thần kỳ của Việt Nam ở đấu trường Olympic.

Có lẽ đến thời điểm này, Hoàng Xuân Vinh vẫn chưa biết được tổng số tiền thưởng mà mình có thể nhận được sau khi đoạt 2 huy chương Olympic, nhưng dù có 9 tỉ đồng, 10 tỉ đồng hay hơn số tiền đó đi chăng nữa, thì 1 HCV, 1 HCB Olympic đã là vô giá với thể thao Việt Nam và mỗi người Việt Nam đều tự hào khi có một “ngôi sao giản dị” Hoàng Xuân Vinh!

Môn bắn súng ở Olympic

Bắn súng được đưa vào chương trình thi đấu trong mọi kỳ Thế vận hội (trừ các năm 1904 và 1928). Riêng, môn bắn súng dành cho nữ được đưa vào thi đấu từ năm 1984.

Tại Olympic Rio 2016, môn bắn súng có tất cả 15 bộ huy chương, 6 cho nữ và 9 cho nam. Với nam có 3 nội dung súng trường (50m súng trường 3 tư thế, 50m súng trường nằm bắn, 10m súng trường hơi); 3 nội dung súng ngắn (50m súng ngắn, 25m súng ngắn bắn nhanh, 10m súng ngắn hơi); 3 nội dung bắn đĩa bay (bắn đĩa bay trap, bắn đĩa bay đôi và bắn đĩa bay skeet). Với nữ, môn bắn súng có 2 nội dung súng trường (50m súng trường 3 tư thế, 10m súng trường hơi); 2 nội dung súng ngắn (25m súng ngắn, 10m súng ngắn hơi) và 2 nội dung bắn đĩa bay (bắn đĩa bay trap, bắn đĩa bay skeet).

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>